Mỗi năm Việt Nam có khoảng 3.800 phụ nữ mang thai nhiễm HIV

Duy Tính
Duy Tính
26/03/2019 15:11 GMT+7

Theo đại diện tổ chức Liên Hiệp Quốc thì Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu thanh toán bệnh HIV, viêm gan B, giang mai lây truyền từ mẹ sang con vào năm 2030 thông qua tiêm chủng, xét nghiệm sàng lọc, điều trị.

Ngày 26.3, tại TP.HCM, Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em (Bộ Y tế) đã tổ chức hội thảo triển khai kế hoạch hành động quốc gia tiến tới loại trừ lây nhiễm HIV, viêm gan B và giang mai từ mẹ sang con giai đoạn 2018 - 2030 (ảnh).
Tại hội thảo, Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em cho biết mỗi năm Việt Nam có 2 triệu phụ nữ mang thai và ước tính tỉ lệ lây nhiễm HIV là 0,19%, tương đương 3.800 phụ nữ nhiễm HIV. Nếu không có can thiệp thì trong số này tỉ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con là 30 - 40%, tương đương 1.140 - 1.520 trẻ bị lây nhiễm HIV.
Tuy nhiên, thực tế Việt Nam đối diện với khó khăn trong việc phát hiện phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Hiện chỉ mới 38,5% phụ nữ sinh đẻ được xét nghiệm sàng lọc HIV trước và trong khi mang thai, thấp nhất là ở khu vực Bắc Bộ và Duyên hải Miền Trung - chỉ đạt 19.7%; Trung Du và miền núi phía Bắc tỷ lệ này cũng rất thấp, 21,3%; Đông Nam Bộ đạt 61%; Đồng bằng Sông Cửu Long 44,1%. Chỉ có 57,6% được xét nghiệm khi chuyển dạ. Mặc khác, vẫn còn 12,5% phụ nữ đẻ nhiễm HIV chưa được điều trị ARV.
Lý giải nguyên nhân tỷ lệ xét nghiệm sàng lọc HIV ở giai đoạn mang thai còn khá thấp, Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em cho rằng có nhiều nguyên nhân: Do do cán bộ y tế còn hạn chế; nguồn test miễn phí không đáp ứng nhu cầu trong khi bảo hiểm y tế không chi trả test sàng lọc; chưa sẵn có dịch vụ xét nghiệm sàng lọc HIV tại trạm y tế trong khi nơi này là điểm quản lý thai; nhận thức của người dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai còn khá hạn chế trong việc cần đi khám thai sớm; nhiều bà mẹ nhiễm HIV còn sợ bị kỳ thị nên ngại xét nghiệm.
Ngoài ra, chất lượng và quy trình khám thai còn chưa được tuân thủ chặt chẽ. Mặc dù tỷ lệ khám thai 3 lần trong 3 thai kỳ đạt trên 80%, nhưng việc tư vấn xét nghiệm sàng lọc trong lần khám thai đầu tiên chưa được chú trọng. Còn nhiều phụ nữ đến khám thai vào giai đoạn cuối của thai kỳ, do đó khó có thể chẩn đoán và dự phòng kịp thời lây nhiễm HIV từ mẹ sang con…

Số bà mẹ mang thai mắc viêm gan B cao nhất thế giới

Tỷ lệ phụ nữ mang thai tại VN bị viêm gan B là từ 10 - 20%, thực tế; tỷ lệ mẹ lây nhiễm viêm gan B cho con là từ 5 - 10%, trong đó 90% trẻ chuyển sang viêm gan B mạn tính. Theo tổ chức Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam thì Việt Nam là một trong những quốc gia mẹ mang thai mắc viêm gan B cao nhất thế giới.

Theo Vụ Sức khỏe bà mẹ - trẻ em, báo cáo của các bệnh viện cũng cho thấy tình hình trẻ em mắc giang mai bẩm sinh bắt đầu có chiều hướng gia tăng. Thống kê của các nhà nghiên cứu thì tình trạng lây nhiễm giang mai từ mẹ sang con chiếm từ 40 - 70%. Tuy vậy, hiện tỷ lệ phụ nữ mang thai xét nghiệm giang mai chỉ đạt khoảng 16%.

Theo đại diện tổ chức Liên Hiệp Quốc tại Việt Nam thì Việt Nam hoàn toàn có thể đạt được mục tiêu thanh toán bệnh HIV, viêm gan B, giang mai lây truyền từ mẹ sang con vào năm 2030 thông qua tiêm chủng, xét nghiệm sàng lọc và điều trị. Hiện tại, Thái Lan và Malaysia là 2 nước đầu tiên trong khu vực được chứng nhận loại trừ HIV và giang mai lây truyền từ mẹ sang con.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.