Mì ăn liền có phải là 'thủ phạm' gây nóng trong người ?

04/01/2019 10:00 GMT+7

Mặc dù rất yêu thích mì ăn liền vì tính tiện dụng và hương vị thơm ngon nhưng không ít người tiêu dùng vẫn lo, thực phẩm này gây nóng và nổi mụn. Thế nhưng, theo các chuyên gia, mì gói không phải là thủ phạm gây nóng.

Khoa học chưa ghi nhận

Thành phần chính của mì ăn liền là bột lúa mì, chất đạm, chất béo nguồn gốc thực vật và các gói gia vị (gói súp, gói dầu...), gói rau sấy khô gồm các loại rau như hành lá, cà rốt, bạc hà, bắp... Đi kèm là một số loại phụ gia trong danh mục được phép sử dụng trong thực phẩm do Bộ Y tế ban hành. Đây là những nguyên liệu phổ biến trong đời sống hiện nay. Bản thân bột lúa mì hay các gói gia vị không gây nóng cho người ăn.
Theo chuyên gia thực phẩm Vũ Thế Thành, một gói mì nhỏ (75 g) cung cấp 350 Kcal, so với nhu cầu trung bình mỗi ngày khoảng 2.000 Kcal của người trưởng thành. Như vậy, sản phẩm này chủ yếu cung cấp năng lượng. “Nói kiểu ăn mì vào thấy nóng thì chưa thấy khoa học nào ghi nhận”, vị chuyên gia này nhấn mạnh.
Tương tự, theo PGS-TS Lê Bạch Mai, nguyên Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, xét về mặt bản chất, vắt mì ăn liền với nguyên liệu chính là bột lúa mì nên thuộc nhóm ngũ cốc cùng với gạo, bún, miến, bánh phở..., cung cấp chất bột đường là chủ yếu. Mì ăn liền có vai trò cung cấp năng lượng (trung bình 350 Kcal cho 1 gói mì ăn liền 75 g), trong đó năng lượng từ protein (chất đạm) là 28 Kcal, từ lipid (chất béo) 117 Kcal và từ carbohydrate (chất bột đường) 205 Kcal. Vì là một thực phẩm cơ bản nên mì ăn liền hoàn toàn có thể kết hợp cùng các loại thực phẩm khác (thịt, trứng, hải sản, rau xanh...) nhằm tạo nên bữa ăn hoàn chỉnh có đủ 4 nhóm chất dinh dưỡng.

Không có loại thực phẩm nóng

Chị Lê Thị Hoàng - 20 tuổi, sinh viên ngụ tại Q.5, TP.HCM, cho biết mình là người thích ăn món chiên, xào và thức ăn nhanh. Vài tháng gần đây, chị Hoàng bị nổi mụn nhiều, thậm chí cả ở lưng. Đi khám bác sĩ da liễu, bác sĩ cho biết chị bị nóng, nổi mụn phần do thức khuya, ăn uống chưa phù hợp. “Từ trước đến nay tôi hạn chế ăn mì gói vì sợ nóng. Nhưng mà vẫn nổi mụn vì nhiều nguyên nhân khác. Vậy là do cơ địa mỗi người và bác sĩ cũng khuyên ăn uống cân bằng hơn, nhiều rau xanh...”, chị Hoàng chia sẻ.
Hầu hết các chuyên gia thực phẩm đều khẳng định không có loại thực phẩm nóng nếu chúng ta biết tạo ra một bữa ăn đa dạng, phong phú để đảm bảo cân bằng dinh dưỡng. Vấn đề nóng, phần lớn là do cách ăn uống không hợp lý, dẫn đến rối loạn trong cơ thể, chứ không phải do bản thân một thực phẩm nào đó tạo nên. Theo đó, trong một chế độ ăn thiếu sự cân bằng, nếu chúng ta dung nạp vào cơ thể mình quá nhiều thực phẩm giàu đạm, nhiều chất bột đường hay chất béo thì dễ có cảm giác bị nóng trong người. Nguyên nhân không chỉ do bản thân các thực phẩm này chứa nhiều năng lượng mà còn do cơ thể phải sử dụng năng lượng để chuyển hóa các thức ăn này. Ngoài ra, lượng nước cần cho quá trình chuyển hóa các chất sinh năng lượng trong cơ thể bị thiếu hụt cũng gây ra tình trạng khát nước, nóng trong người. Vì thế uống nhiều nước là rất cần thiết để cơ thể tránh bị rơi vào trạng thái nóng.
Theo PGS-TS Lê Bạch Mai, bất kỳ một loại thực phẩm riêng lẻ nào nếu sử dụng thường xuyên mà không kết hợp với các thực phẩm khác thì sẽ không đảm bảo tính đa dạng của bữa ăn, dễ dẫn đến thiếu hụt các chất dinh dưỡng, làm cơ thể mệt mỏi, táo bón, thiếu nước gây cảm giác “nóng trong người” và nổi mụn. Đơn thuần như việc bạn chỉ ăn cơm trắng mỗi ngày, không kèm thực phẩm nào khác thì cũng không tránh khỏi cảm giác nóng, bực bội trong người. Chính vì thế các chất dinh dưỡng (protein, glucid, lipid, vitamin, chất khoáng) được cung cấp vào cơ thể nên điều chỉnh cho vừa đủ và phù hợp với nhu cầu của từng người, giúp đảm bảo cho các hoạt động và chuyển hóa hằng ngày...
PGS-TS Lê Bạch Mai cũng nhấn mạnh, khi sử dụng thực phẩm, người tiêu dùng nên điều chỉnh sở thích ăn uống của mình từng bước thích hợp với tình trạng sức khỏe, từng bệnh lý khác nhau kết hợp với cách chế biến phù hợp để bữa ăn thực sự là nguồn cung cấp các chất dinh dưỡng tốt cho cơ thể, góp phần phòng tránh bệnh tật. Ví dụ, với một người trưởng thành, một tô mì chế nước sôi vẫn có thể thay thế một bữa ăn nếu không có thời gian. Tuy nhiên những bữa khác trong ngày cần cân đối lại bằng cách ăn uống đa dạng.
Theo PGS-TS Lê Bạch Mai, chúng ta nên thưởng thức mì gói kèm với các loại rau củ như cải xanh, giá đỗ, cải cúc, rau má, rau muống, cà rốt, cà chua... Ngoài ra, nên bổ sung vào mỗi bát mì khoảng 3 - 4 lát thịt bò, thịt lợn hoặc 2 - 3 con tôm để bữa ăn từ mì gói được cân đối hơn về năng lượng đến từ chất đạm, đặc biệt là cân đối giữa đạm động vật và đạm thực vật.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.