Mệt mỏi mãn tính

21/02/2013 09:26 GMT+7

Nhiều người bị mệt mỏi kéo dài, không cải thiện dù ngủ, nghỉ ngơi đầy đủ. Đến cơ sở y tế khám, xét nghiệm nhưng hầu hết được kết luận là bình thường.

Thật ra họ có mắc một căn bệnh, đúng hơn là một hội chứng, rất ảnh hưởng đến chất lượng sống nhưng lại hay bị thầy thuốc bỏ qua: hội chứng mệt mỏi mãn tính (MMM).

Bệnh “mơ hồ”

Cho đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa xác định được nguyên nhân cụ thể và cũng chưa có xét nghiệm đặc hiệu nào để chẩn đoán MMM chính xác. Ngoài sự mệt mỏi kéo dài, MMM có thể kèm theo các dấu chứng không đặc hiệu như: các triệu chứng kiểu cúm, đau nhức toàn thân và các suy giảm chức năng thần kinh, bộ nhớ...

 Mệt mỏi mãn tính
Hội chứng mệt mỏi mãn tính rất dễ làm chúng ta bị stress - Ảnh: T.T.D

Một điều làm rối thêm chẩn đoán là MMM lại có dấu hiệu tương đồng với nhiều căn bệnh khác như tăng bạch cầu đơn nhân, bệnh Lyme, lupus, đa xơ cứng, phong thấp (đau xương cơ)... các bệnh này ban đầu thường có rối loạn giấc ngủ và trầm cảm. Hơn nữa, một số thuốc điều trị cũng có thể gây tác dụng phụ giống triệu chứng của MMM.

 

Bệnh nhân của hội chứng mệt mỏi mãn tính thường giảm khả năng thích nghi cuộc sống hằng ngày, giảm trí nhớ và độ tập trung nên ảnh hưởng nhiều đến công việc và học tập, làm thay đổi quan hệ với đối tác, gia đình, bạn bè và con cái; rất dễ bị stress, sợ bị bỏ rơi.

Chẩn đoán khó khăn

Do bệnh “mơ hồ”, không có tiêu chí chẩn đoán, xét nghiệm đặc hiệu nên tỉ lệ chẩn đoán MMM rất thấp. Ngay ở Mỹ, với trang thiết bị hiện đại, trong số 4 triệu người được ước tính mắc bệnh MMM hiện chỉ có dưới 20% được chẩn đoán xác định. Vì thế, việc chẩn đoán MMM phải rất thận trọng, tỉ mỉ. Thầy thuốc cần thực hiện đúng quy trình ba bước: (1) hỏi bệnh sử cặn kẽ chi tiết, (2) khám tổng quát kỹ lưỡng và (3) xét nghiệm sàng lọc đầy đủ và có thể xét nghiệm bổ sung để theo dõi kết quả của các xét nghiệm sàng lọc ban đầu.

Thường MMM được chẩn đoán dựa trên ba tiêu chí: một là mệt mỏi kéo dài trên sáu tháng liên tục, không phải do gắng sức hoặc bệnh lý nào khác có liên quan; hai là mệt mỏi nặng ảnh hưởng đến hoạt động và công việc thường nhật và ba là có ít nhất bốn trong tám dấu chứng sau:

- Mệt sau khi gắng sức kéo dài hơn 24 giờ

- Ngủ vẫn không đỡ mệt

- Suy giảm, mất tập trung trí nhớ

- Đau cơ

- Đau nhưng không bị sưng hay đỏ các khớp xương

- Đau đầu nhiều kiểu, nhiều mức độ

- Sưng căng hạch bạch huyết ở cổ hoặc nách

- Đau họng thường xuyên hoặc định kỳ.

Cũng như các bệnh suy nhược mãn tính khác, MMM ảnh hưởng nhiều đến chất lượng sống hằng ngày của bệnh nhân, buộc họ phải thay đổi lối sống để thích nghi. Do đó, để kiểm soát tốt MMM, người bệnh cần được điều trị các triệu chứng trước mắt như: mệt mỏi, khó ngủ, đau cơ khớp, giảm tập trung, trầm cảm lo âu, chóng mặt và đau đầu. Ngoài ra, họ cần vận động, thể dục và cải thiện chất lượng sống.

Theo TS.BS Trần Bá Thoại / Tuổi Trẻ

>> Những tác nhân gây mệt mỏi
>> Chống mệt mỏi trong vòng vây công nghệ
>> Cách tránh xa hội chứng mệt mỏi kinh niên
>> Doanh nghiệp taxi “mệt mỏi” vì điều chỉnh giá cước
>> Hội chứng tranh đua mệt mỏi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.