Mẹ đuổi côn trùng, vô tình con vật lại bay sâu vào khí quản trẻ

08/06/2017 19:38 GMT+7

Chiều nay (8.6), Bệnh viện Nhi đồng 1 thông tin vừa cấp cứu cho trường hợp hy hữu, em bé trai nuốt phải con côn trùng sâu vào trong đường thở.

Bác sĩ Nguyễn Phan Nguyên, khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi đồng 1, người tiếp nhận bệnh nhi, cho biết: bé trai chỉ mới 8 tháng tuổi (ngụ Cần Thơ), được Bệnh viện Cần Thơ chuyển lên, trong tình trạng đã được đặt nội khí quản để giúp bé thở, với nguyên nhân có côn trùng trong khí quản, chặn đường thở.
Bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 đã soi khí quản của bé thì thấy niêm mạc khí quản rất xấu, bị tổn thương, phù nề nhiều và có con côn trùng nằm trong khí quản.
“Con côn trùng đã nằm trong khí quản của bé hơn 8 giờ. Khi nội soi tại Bệnh viện Nhi đồng 1, con côn trùng đã chết. Tuy nhiên, dịch tiết của côn trùng đã đầy hết khí quản của bé. Mặt khác, trước đó, khi mắc kẹt, do con vật giãy giụa đã làm tổn thương khí quản của bé rất nặng”, bác sĩ Nguyên cho biết.
Do tình trạng tổn thương đường thở của bé và thân con côn trùng đã mềm xốp nên các bác sĩ chỉ có thể lấy được một nửa thân con vật ra ngoài. Bệnh nhi được chăm sóc, ổn định đường thở. Sau đó, các bác sĩ mới có thể nội soi lần hai để lấy hết các phần còn lại của con côn trùng. Loại côn trùng này thường được gọi là con quýt, thân dài khoảng 2,5 cm.
Con côn trùng trong đường thở của bệnh nhi qua hình ảnh nội soi (hình 1) và sau khi được lấy ra ngoài Nguyên Mi
Theo lời kể của mẹ bệnh nhi: Khi đó, thấy con côn trùng bay vô nhà nên chị đuổi đi. Con vật lại bay đậu lên tay em bé. Em bé đưa tay lên miệng định cắn, còn mẹ bé thì giơ tay lên định đập. Thế là, con vật lại bay thẳng vô miệng bé.
Thấy vậy, chị mới lấy tay móc họng bé mong lấy được con vật ra ngoài.
“Việc móc họng trẻ để lấy con côn trùng ra ngoài là xử lý sai của người mẹ, có thể đã vô tình đẩy dị vật vô sâu trong đường thở”, bác sĩ Nguyên đánh giá.
Theo bác sĩ Nguyễn Thế Huy, Phó khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM): Việc bị mắc dị vật đường thở rất hay gặp phải với trẻ em. Trẻ có thể bị bất cứ lúc nào, với nhiều loại dị vật khác nhau.
Triệu chứng của trẻ khi nuốt, hốc, mắc phải các dị vật đường thở là trẻ đột ngột ho dữ dội, sặc sụa, khó thở, tím tái, thở hước.
Khi trẻ bị hốc dị vật, điều quan trọng nhất để sơ cấp cứu cho trẻ là phụ huynh phải vỗ lưng, ấn ngực cho trẻ để tống dị vật ra ngoài. Không nên móc họng trẻ vì có thể làm dị vật càng bị đẩy sâu vô bên trong hoặc làm tổn thương thêm đường thở của trẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.