Mê ăn tiết canh, dễ 'rước' bệnh, có thể tử vong

15/02/2017 16:28 GMT+7

Từ đầu năm đến nay, nhiều trường hợp tử vong, hoại tử do liên cầu lợn đã được ghi nhận trên cả nước. Người mê ăn tiết canh có thể bị đe dọa tính mạng trước nguy cơ nhiễm khuẩn.

Tử vong, hoại tử do liên cầu lợn
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), khuyến cáo: Bệnh liên cầu lợn ở người là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính lây truyền từ động vật sang người qua đường tiêu hóa, chủ yếu là từ lợn.
Các biểu hiện của bệnh là: Sốt cao, đau đầu, buồn nôn, ù tai, điếc, cứng gáy, rối loạn tri giác, xuất huyết đa dạng ở một số nơi trên cơ thể, cơ thể lạnh, tụt huyết áp,... Đặc biệt, bị nhiễm liên cầu lợn, bệnh nhân dễ bị diễn biến nặng và tỷ lệ tử vong cao.
Trường hợp được báo cáo gần đây nhất là bệnh nhân nam 63 tuổi (ngụ Nam Định) đã tử vong do nhiễm liên cầu lợn. Bệnh nhân ăn tiết canh. Hai ngày sau khi ăn thì bị sốt cao, tiêu chảy và phát ban xuất huyết hoại tử trên da.
Bệnh nhân được điều trị tại Bệnh viện đa khoa Nam Định, sau đó chuyển lên Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong tình trạng sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng và tử vong.

tin liên quan

Mất mạng, hoại tử chân tay vì ăn tiết canh lợn
Gần đây, Bệnh viện bệnh nhiệt đới T.Ư (Hà Nội) tiếp nhận các bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn nặng do ăn tiết canh lợn. Trong đó, có người đã tử vong, có người bị cưa chân tay.
Trước đó, đã có trường hợp bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn nặng, do di chứng hoại tử phải cắt gần hết các ngón tay, ngón chân. Bệnh nhân này cũng bị nhiễm liên cầu lợn do ăn tiết canh.
Bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM, cho biết: Mặc dù thời gian qua, TP.HCM không có trường hợp nào mắc liên cầu lợn tử vong nhưng bệnh đã để lại biến chứng rất nghiêm trọng đến thính giác, có đến 2/3 số bệnh nhân bị điếc sau khi khỏi bệnh.
Ăn tiết canh gì cũng dễ nhiễm bệnh
Theo Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Trần Phủ Mạnh Siêu, Phó giám đốc Bệnh viện Nguyễn Trãi (TP.HCM), chuyên gia về bệnh ký sinh trùng, không riêng gì với tiết canh lợn mà ăn tiết canh nói chung rất dễ bị nhiễm các loại vi khuẩn trong máu động vật.
Đối với tiết canh lợn, người ăn có thể nhiễm liên cầu lợn, gây viêm màng não.
“Liên cầu khuẩn ở lợn có thể lây trực tiếp từ lợn qua người qua vết thương ở da, đường hô hấp, tiếp xúc với máu hoặc các dịch tiết ở lợn bệnh và cả ăn tiết canh”, bác sĩ Siêu nói thêm.
Tiết canh là món khoái khẩu của không ít người Vũ Phượng
Đối với các món tiết canh gia cầm (gà, vịt), người ăn có thể bị nhiễm vi rút cúm gia cầm H5N1. Đặc biệt, trong mùa cúm gia cầm, việc ăn tiết canh gia cầm vô cùng nguy hiểm vì dễ nhiễm H5N1. Đây là loại vi rút cúm có động lực cao, gây bệnh nặng và tỷ lệ tử vong cao.
Mặt khác, bác sĩ Siêu cảnh báo: Trong tiết cũng chứa nhiều chất không tốt cho sức khỏe. Nhiều loại hóa chất, thuốc kháng sinh, chất tăng trưởng và các chất cấm sử dụng trong chăn nuôi mà có thể người nuôi sử dụng, vẫn có trong máu các loại động vật. Người ăn tiết canh thì chất này sẽ nhiễm vào người. Khi đó, các hóa chất này có thể gây ra nhiều loại bệnh khác nhau, trong đó có thể gây ung thư.
“Vệc ăn tiết canh cũng có thể gây ra dị ứng đối với một số người”, bác sĩ Siêu lưu ý thêm.
Phòng nhiễm liên cầu lợn
Theo Cục Y tế dự phòng, hiện nay chưa có vắc xin phòng bệnh liên cầu lợn.
Vì vậy, để phòng bệnh, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp: Bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, không ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín. Mặt khác, không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn ốm, chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh; không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.
Với những người tiếp xúc trực tiếp với lợn, cần thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, sử dụng găng tay và các dụng cụ bảo hộ cần thiết, chế biến thịt lợn, thường xuyên rửa tay với xà phòng.
Cục Y tế dự phòng cũng yêu cầu những nơi có lợn bệnh phải tiêu hủy lợn bệnh, lợn chết theo đúng quy định.
Người dân khi có biểu hiện mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.