Mang trái tim vượt 1.000 km ghép cho bệnh nhân

21/07/2015 21:15 GMT+7

(TNO) Lần đầu tiên trái tim của người hiến đã được các bác sĩ vận chuyển quãng đường xa đến 1.000 km từ TP.HCM ra Huế để kịp thời ghép cho một bệnh nhân khác.

(TNO) Một bệnh nhân bị tai nạn lao động qua đời hiến tạng cứu 6 người. Trong đó, lần đầu tiên trái tim của người hiến đã được các bác sĩ vận chuyển quãng đường xa đến 1.000 km từ TP.HCM ra Huế để kịp thời ghép cho một bệnh nhân khác.

 
Hai bệnh nhân được ghép thận đã phục hồi sức khỏe và đang được chăm sóc tại Bệnh viện Chợ Rẫy - Ảnh: Nguyên Mi

Một người hiến tạng cứu 6 người 

Chiều nay (21.7), tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), cho biết đã có 4 bệnh nhân được ghép tạng trong ngày hôm qua (20.7) và dự định thêm 2 bệnh nhân nữa sẽ được ghép giác mạc vào ngày mai (22.7) do cùng một người qua đời hiến tặng.

 
Đây là trường hợp hiến đa tạng và mô đầu tiên tại Bệnh viện Chợ Rẫy, được Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người tiếp nhận và điều phối ghép cho các trường hợp nguy cấp, phù hợp đang chờ ghép.
Bệnh nhân bị tai nạn lao động nặng đã được phẫu thuật ở bệnh viện tuyến trước và chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy. Tuy nhiên do tình trạng chấn thương nặng nên bệnh nhân đã chết não. Bệnh nhân qua đời, cha mẹ bệnh nhân đã đồng ý hiến tặng tạng của bệnh nhân (hai giác mạc, khối tim - phổi, gan và hai quả thận) để cứu sống các bệnh nhân đang chờ ghép.
Ngay trong ngày 20.7, các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy, Trung tâm ghép gan của Đại học Asan (Hàn Quốc) và Bệnh viện Trung ương Huế đã thực hiện phẫu thuật lấy và ghép tạng cho 4 bệnh nhân.
Theo Giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Trần Ngọc Sinh, cố vấn Khoa Thận - Tiết niệu Bệnh viện Chợ Rẫy, Trưởng bộ môn Tiết niệu học Trường ĐH Y Dược TP.HCM, Chủ tịch Hội Niệu - Thận học TP.HCM: Sau khi chết não, mô, tạng của bệnh nhân chỉ có thể được bảo quản trong thời gian rất ngắn để được ghép và “sống” trong cơ thể người nhận (4 giờ đối với tim, 3 giờ đối với phổi, 24 giờ đối với thận,…) nên các bác sĩ phải tính toán rất kỹ, chạy đua với thời gian để ghép cho bệnh nhân.
Hai quả thận của người hiến đã được ghép cho hai bệnh nhân bị suy thận giai đoạn cuối ngay tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Gan của người hiến đã được ghép cho một bệnh nhân bị ung thư gan do viêm gan siêu vi C (62 tuổi), nếu không ghép thì chỉ sống được thêm trong vòng 1 năm trở lại, cũng tại Bệnh viện Chợ Rẫy.
Các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện một ca ghép gan - Ảnh: Nguyên Mi
Đặt biệt, khối tim - phổi của người hiến đã được các bác sĩ “hộ tống” vận chuyển đến Bệnh viện Trung ương Huế để ghép cho một bệnh nhân khác đang chờ được ghép tim để tiếp tục cuộc sống.
Vận chuyển "thần tốc" quả tim đi 1.000 km
Theo Giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Trần Ngọc Sinh, đây là lần đầu tiên tại Việt Nam tạng hiến tặng được điều phối đi xa hơn 1.000 km để ghép cho người nhận.
Tổng thời gian để từ khi lấy quả tim ra khỏi cơ thể người hiến đến khi được ghép vào cơ thể người nhận phải được thực hiện chỉ trong vòng 4 giờ. Vì vậy, các bác sĩ của Bệnh viện Chợ Rẫy và Bệnh viện Trung ương Huế phải tính toán chi tiết, chạy đua với thời gian.
Nhận được tin có tim hiến tặng, các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế đã có mặt tại Bệnh viện Chợ Rẫy ngay 0 giờ ngày 20.7. Ca phẫu thuật lấy tim ra khỏi cơ thể người hiến được thực hiện vào lúc từ 6 giờ 30 phút (20.7), đến 7 giờ 10 phút thì ê kip bác sĩ đến sân bay để bay đi Huế. Ca phẫu thuật ghép tim cho người nhận tại Bệnh viện Trung ương Huế đã được thực hiện ngay 10 giờ sáng ngày 20.7.
“Bệnh viện đã nhờ đến sự can thiệp của chính Bộ trưởng Bộ GTVT để được tạo điều kiện, ưu tiên đặc biệt vận chuyển bằng máy bay trái tim của người cho vượt 1.000 km ra Huế để ghép cho người nhận”, tiến sĩ - bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết.
Theo bác sĩ Thu, chọn Bệnh viện Trung ương Huế vì đây là đơn vị ghép tim hàng đầu Việt Nam và đang có người chờ ghép phù hợp với tạng được hiến.
“Gia đình và người hiến tạng đã có nghĩa cử cao đẹp, hy sinh rất lớn khi hiến tặng tạng. Vì vậy, các bác sĩ phải làm hết sức mình để bảo toàn tạng hiến tặng toàn vẹn nhất, phẫu thuật tốt nhất để cứu người nhận để xứng đáng với người cho”, bác sĩ Thu bộc bạch.
Theo tiến sĩ - bác sĩ Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, hiện nay, ước đoán của các cơ quan y tế thì tại Việt Nam có trên 16.000 người đang chờ được ghép tạng (tim, thận, gan, phổi) và 6.000 bệnh nhân chờ ghép giác mạc.
Kể từ khi thành lập (17.6.2014), Đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Chợ Rẫy đã nhận được gần 700 đơn tự nguyện hiến tạng cứu người khi chẳng may qua đời.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.