Lo lắng thái quá có thể gây ra các triệu chứng giống nhiễm COVID-19

Thiên Lan
Thiên Lan
23/03/2020 10:26 GMT+7

Cảm thấy nóng toát mồ hôi? Khó thở? Khô miệng? Bạn đừng vội hoảng hồn: 'Thôi chết! Tôi nhiễm virus SARS-CoV-2 rồi'.

Bạn có thể đang lên cơn hoảng loạn do quá lo lắng giữa đại dịch Covid-19: lo sợ về những gì xảy ra và có thể xảy ra tiếp theo.
Nhưng các dấu hiệu của sự lo lắng có thể rất giống với nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2), theo Metro.
Điều này có thể gây ra một vòng hoảng loạn nguy hiểm. Càng lo lắng về virus SARS-CoV-2, càng gặp cảm giác giống như các triệu chứng của virus SARS-CoV-2, rồi nghĩ mình đã nhiễm bệnh, lại càng lo lắng hơn.
Các triệu chứng ban đầu của SARS-CoV-2 bao gồm: sốt, ho khan, khó thở và đau họng.
Còn triệu chứng của cơn hoảng loạn bao gồm: tim đập nhanh, nóng bức đến toát mồ hôi, buồn nôn, đau ngực, khó thở, run rẩy, nóng bừng, chân tay run, cảm giác nghẹt thở, tê hoặc kim châm, khô miệng, muốn đi vệ sinh, ù tai, cảm giác sợ hãi hoặc sợ chết, đau bụng, cảm giác ngứa ran ở ngón tay, cảm giác như không được kết nối với cơ thể, theo Cơ quan Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh.
Tiến sĩ Martina Paglia từ Phòng khám Tâm lý Quốc tế (Anh) cho biết rất có thể nhiều người đang gặp các triệu chứng tương tự như nhiễm virus SARS-CoV-2, nhưng đơn giản chỉ là do lo lắng, theo Metro.
Khi cảm thấy bị đe dọa và dễ bị tổn thương, adrenaline dâng trào trong cơ thể, khiến cho sự lo lắng gia tăng và thường gây tức ngực, khó thở và cảm thấy quá nóng.
Nếu bạn có tiền sử lo lắng và hoảng loạn, hãy nhớ rằng có nhiều khả năng các triệu chứng của bạn là do tâm lý hơn là bạn đã bị nhiễm virus.
Khi bạn quá lo lắng và các triệu chứng xuất hiện, hãy tạm dừng lại và thử một số kỹ thuật thư giãn. Nếu các triệu chứng giảm bớt, bạn có thể yên tâm rằng đó là do hoảng loạn, không phải do virus SARS-CoV-2.
Khi đang bị lên cơn hoảng loạn, cần làm chậm nhịp thở, thư giãn cơ thể, tâm trí và đưa bạn trở về hiện tại, theo Metro.
Có một kỹ thuật thư giãn phổ biến là kỹ thuật 5-4-3-2-1 rất dễ nhớ: Liệt kê 5 điều bạn thấy được, 4 điều cảm nhận được, 3 điều nghe được, 2 điều ngửi được, và 1 điều nếm được.
Hãy thử nghe một bài hát giúp thư giãn hoặc đắp một cái mền mềm mại.
Hít vào sâu, chậm, đếm đến 4, rồi thở ra, và đếm đến 4. Nhắc nhở bản thân rằng sẽ không sao. Nhưng nếu bạn nghiêm túc lo lắng rằng mình có thể bị bệnh, thì nên trao đổi với bác sĩ, theo Metro.
Nghiên cứu đã chỉ ra rằng phụ nữ có nguy cơ bị các cơn lo âu cao hơn gấp đôi so với nam giới, tiến sĩ Paglia nói. Một cơn hoảng loạn có thể dễ dàng bị nhầm lẫn với sự khởi đầu của virus SARS-CoV-2, đặc biệt là trong trường hợp đã có vấn đề về hô hấp tiềm ẩn.
Nếu bạn biết rằng bạn bị các cơn hoảng loạn và đột nhiên bị đau ngực hoặc khó thở mà không có ho hoặc sốt kèm theo, thì không phải bạn bị nhiễm virus đâu. Tuy nhiên, bạn vẫn nên liên hệ với cơ quan y tế để kiểm tra, theo Metro.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.