Lơ đễnh, chủ nhà bị cổng sắt ép tràn dịch màng tim phải cấp cứu

Duy Tính
Duy Tính
23/06/2018 00:11 GMT+7

Thay vì bấm nút mở cửa cổng cho hàng xóm vào chơi thì chủ nhà bấm nhầm nút đóng. Hậu quả chủ nhà bị cánh cửa sắt ép tràn dịch màng tim.

Ngày 22.6, nguồn tin từ Bệnh viện (BV) Nhân dân Gia Định TP.HCM cho biết BV này vừa tiếp nhận nữ bệnh nhân tên M. (38 tuổi) trong tình trạng tỉnh, tiếp xúc được, than đau vùng trước ngực, chi lạnh, mạch nhẹ, huyết áp khó đo. 
Bà M. có tiền căn bệnh tăng huyết áp phải điều trị liên tục.
Khai lý do đi cấp cứu với bác sĩ, bà M. cho biết, bà có việc ra ngoài, khi về nhà thì mở cổng sắt tự động điều khiển từ xa để vào nhà. Đứng ngay cổng nhưng bà M. nói chuyện với hàng xóm. Bà M. định mở cửa rộng ra cho hàng xóm vào chơi nhưng vô tình bấm nút đóng mà không hay biết. Khi cánh cửa sắt chạm vào mình thì bà M. mới biết. Lúc này bà luống cuống không xử lý được, cũng không nhảy ra. Bà phản xạ bằng cách xoay ngang khiến người bà bị cánh cửa ép vào trụ cổng.
Cánh cổng đứng lại nhưng bà M. vừa đau vừa sợ nên ngất xỉu. Khoảng 20 phút sau, người thân mở cổng đưa bà vào BV Nhân dân Gia Định cấp cứu.
Bác sĩ Nguyễn Thái Yên, Phó Khoa Tim mạch can thiệp, BV Nhân dân Gia Định, cho biết bác sĩ trực cấp cứu nhanh chóng nhận định bà M. bị sốc chấn thương/chấn thương ngực bụng kín, có thể phức tạp, liên quan nhiều chuyên khoa nên đã thực hiện báo động đỏ nội viện, huy động trưởng tua trực khối ngoại, khối nội và các bác sĩ trực Khoa lồng ngực mạch máu, Ngoại tiêu hóa, Chẩn đoán hình ảnh, Tim mạch can thiệp, Nội tim mạch để tiến hành cứu bệnh nhân.

Với bệnh nhân sốc chấn thương, các bác sĩ sẽ cấp cứu theo đúng trình tự của phác đồ ATLS (advanced trauma life support - cấp cứu nâng cao hỗ trợ bệnh nhân chấn thương), tuân theo nguyên tắc tìm và điều chỉnh các vấn đề đe dọa tính mạng ở bệnh nhân chấn thương trước khi khám toàn bộ bệnh nhân như: đường thở, hô hấp, tuần hoàn, thần kinh…

Và tiến hành siêu âm đánh giá chấn thương mục đích tìm dịch bụng, dịch màng phổi và dịch màng tim là các dấu hiệu gián tiếp của các tình trạng đe dọa tính mạng như tràn khí tràn máu màng phổi, xuất huyết nội do vỡ gan, lách, chèn ép tim cấp do tràn dịch màng tim.

Kết quả siêu âm tại phòng cấp cứu ghi nhận bệnh bị tràn máu màng tim lượng trung bình, có dấu đè sụp thất phải. Do tình trạng sốc nặng, không kịp chuyển phẫu thuật mở cửa sổ màng tim dẫn lưu nên các bác sĩ quyết định chọc tháo dịch màng tim cấp cứu dưới hướng dẫn siêu âm”, bác sĩ Yên nói.
Bác sĩ Yên cho biết thêm, đây là trường hợp khó vì là dịch máu, thành lập nhanh, chỉ với lượng dịch ít vẫn có thể gây chèn ép tim cấp, nếu không chọc giải áp dịch kịp thời sẽ vào sốc không hồi phục và tử vong nhanh chóng. Vấn đề khó khăn là lượng dịch khu trú mặt sau tim nên việc chọc hút rất khó.
Tuy nhiên, ê kíp vẫn nỗ lực không ngừng, khẩn trương chọc hút thành công gần 100 ml máu không đông. Bệnh nhân hồi phục ngay sau chọc dịch, sinh hiệu ổn định.
Sau 3 ngày nằm viện, sức khỏe bà M. ổn định, không đau ngực, không khó thở, siêu âm kiểm tra không thấy dịch màng tim tái lập, không dịch màng bụng. Dự kiến bà M. sẽ được xuất viện vào tuần sau.
Bà M. nói đây là sự cố do mình lơ đễnh, nếu lúc đó bà xử lý bằng cách nhảy ra khỏi vị trí đang đứng thì sẽ không bị thương như vậy.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.