Lần đầu tiên tạo ra nhiều cơ quan nội tạng người cùng lúc bằng tế bào gốc

Ngọc Quý
Ngọc Quý
02/10/2019 16:51 GMT+7

Một nhóm nhà khoa học Nhật Bản đã sử dụng thành công tế bào gốc đa năng cảm ứng để tạo ra cùng lúc nhiều cơ quan nội tạng cơ thể người. Đây là lần đầu tiên trên thế giới con người có thể làm được việc này.

Cấu trúc đa tạng mà các nhà khoa học Nhật Bản tạo ra chỉ có 1 cm. Trên thực tế, đó là phiên bản thu nhỏ của gan, tuyến tụy và ống mật, theo Japan Times.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí British journal Nature. Người dẫn đầu nghiên cứu là giáo sư Takanori Takebe tại Đại học Y và Nha khoa Tokyo (Nhật Bản).
Trong nghiên cứu, nhóm của giáo sư Takebe đã nuôi cấy hai loại mô phát triển từ tế bào gốc đa nang cảm ứng (iPS). Họ đặt chúng cạnh nhau. Sau thời gian nghiên cứu, nhóm đã nuôi cấy thành công phiên bản thu nhỏ của gan, tụy và ống mật.
Trước đó vào năm 2013, giáo sư Takebe và các đồng sự cũng đã tạo ra thành công một lá gan thu nhỏ. Nhóm cũng đang lên kế hoạch sẽ cấy ghép lá gan này vào cơ thể những người đang mắc bệnh gan nghiêm trọng.
Ngoài ra, họ cũng dự định sẽ áp dụng những phát hiện mới nhất trong việc tái tạo nội tạng từ tế bào gốc đa nang cảm ứng để ghép tạng cho những người bị tổn thương gan và ống mật.
Tế bào gốc đa nang cảm ứng được tạo ra từ các tế bào trưởng thành trên cơ thể mà không cần dùng đến phôi. Đây được cho là phát hiện đầy hứa hẹn, theo Japan Times.
Tế bào gốc đa nang cảm ứng có thể sinh sôi với số lượng vô hạn và phát triển thành bất kỳ loại tế bào nào trong cơ thể, từ tế bào thần kinh đến các cơ quan nội tạng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.