Lần đầu tiên in xương ức, xương sườn bằng 3D

14/09/2015 05:10 GMT+7

Một bệnh nhân ung thư đã được cấy ghép thành công xương ức và xương sườn làm từ titanium bằng phương pháp in 3D, trong một cuộc phẫu thuật đầu tiên trên thế giới về dạng này.

Một bệnh nhân ung thư đã được cấy ghép thành công xương ức và xương sườn làm từ titanium bằng phương pháp in 3D, trong một cuộc phẫu thuật đầu tiên trên thế giới về dạng này.

Lần đầu tiên in xương ức, xương sườn bằng 3DẢnh minh họa phần xương ức và xương sườn được cấy ghép - Ảnh: CSIRO
Cuộc phẫu thuật cấy ghép đã được thực hiện ở bệnh nhân người Tây Ban Nha, 54 tuổi, bị chẩn đoán bướu thịt ở thành ngực (một dạng ung thư có u tăng trưởng bên trong hoặc xung quanh lồng ngực). Bác sĩ đề nghị cắt bỏ một phần khung xương sườn, bao gồm một đoạn xương ức cũng bị loại bỏ. Trong trường hợp của bệnh nhân này, nếu sử dụng bộ phận ghép nhân tạo làm từ quy trình thông thường, bác sĩ giải phẫu lo ngại phần ghép sẽ bị lỏng lẻo theo thời gian, làm tăng nguy cơ biến chứng và tái phẫu thuật. Cuối cùng, bệnh nhân được đề nghị ghép xương sườn in bằng công nghệ 3D. Đây là công nghệ cho phép tái tạo chính xác kích thước và hình dạng của xương ức và xương sườn của bệnh nhân.
Dựa trên ý tưởng mới, nhóm bác sĩ giải phẫu liên hệ công ty chuyên về thiết bị y khoa Anatomics (Úc). Các chuyên gia Tây Ban Nha cũng cung cấp bản chụp tia X trên máy tính với độ phân giải cao cho phía Anatomics nhằm tạo ra bộ phận ghép chính xác nhất. Chi tiết của dự án chung giữa Tây Ban Nha và Úc đã được Bộ trưởng Khoa học và Công nghiệp tại Canberra là Ian Macfarlane công bố mới đây. Theo tạp chí R&D, bác sĩ Jose Aranda thuộc nhóm giải phẫu của Bệnh viện Đại học Salamanca tại Tây Ban Nha cho hay ý tưởng tạo ra bộ phận ghép mới có thể cung cấp sự lựa chọn phù hợp nhất cho từng cấu trúc xương ức và xương sườn của các cá nhân. Kết quả là bệnh nhân sẽ có sự lựa chọn an toàn hơn và cải thiện khả năng hồi phục sau phẫu thuật.
Khi nhận được yêu cầu từ phía Tây Ban Nha, Anatomics cân nhắc và cuối cùng quyết định in đơn đặt hàng bằng titanium, nhờ vào sự hợp tác với Tổ chức Nghiên cứu công nghiệp và khoa học Khối thịnh vượng chung (CSIRO). Phòng thí nghiệm 22 của CSIRO được trang bị máy in 3D tối tân bằng vật liệu kim loại. Kế đến, bộ phận ghép được chuyển về Tây Ban Nha và dùng trong cuộc phẫu thuật, theo báo cáo trên chuyên san European Journal of Cardio-Thoracic Surgery. Kết quả vô cùng khả quan. Sau 12 ngày kể từ khi được ghép, bệnh nhân được xuất viện và hồi phục tốt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.