Làm sao để người dân đến trạm y tế khám, chữa bệnh?

Duy Tính
Duy Tính
29/11/2018 14:09 GMT+7

Người dân đến trạm y tế khám, chữa bệnh, khi cần thiết bác sĩ ở trạm sẽ hội chẩn trực tuyến với bác sĩ tuyến trên để chẩn đoán cho bệnh nhân tại chỗ.

Bệnh nhân được hưởng lợi gì từ mô hình Y học gia đình tại các trạm y tế?
Ngày 29.11, Trạm Y tế (TYT) P.13, Q.Bình Thạnh, TP.HCM đã chính thức đổi mới hoạt động theo nguyên lý y học gia đình. Đây là TYT điểm đầu tiên của TP thực hiện mô hình này trong 24 TYT điểm.
TYT P.13 Q.Bình Thạnh được 29 bác sĩ trưởng, phó nhiều chuyên khoa như nội tiêu hóa, nội tiết, hô hấp, nội thần kinh, nội tim mạch, lão khoa, ngoại tiết, chấn thương chỉnh hình, sản phụ khoa... của Bệnh viện (BV) BV Nhân dân Gia Định và 2 bác sĩ là trưởng khoa hô hấp 1 và phó trưởng khoa tiêu hóa của BV Nhi đồng 2 hỗ trợ qua phần mềm trực tuyến khi có yêu cầu.
Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, cho rằng vấn đề nâng cao năng lực y tế cơ sở để người dân tin mà tới TYT còn khó hơn việc triển khai kỹ thuật cao.
“Vì người dân hàng chục năm nay đã quen tới BV. Tuy nhiên, nếu tình trạng này tiếp tục diễn ra thì xây thêm hàng chục bệnh viện cũng không đủ. Căn bản nhất là làm thế nào thu hút người dân khi muốn khám chữa bệnh ban đầu thì đến y tế cơ sở, cụ thể là TYT”, ông Thượng nói.
Theo ông Thượng, để vận động người dân đến TYT khám chữa bệnh theo nguyên lý hoạt động gia đình, TYT quản lý sức khỏe của người dân thì Sở Y tế triển khai nhiều hoạt động để nâng cao năng lực bác sĩ ở TYT và đảm bảo mỗi trạm có ít nhất 2 bác sĩ.
Các bác sĩ BV quận huyện và trung tâm y tế sẽ luân phiên xuống TYT, dự kiến 6-12 tháng. Sau đó, bác sĩ sẽ được luân phiên ngược lại, tức sẽ lên tuyến trên để tiếp xúc với nhiều bệnh nhân hơn để có thêm kinh nghiệm.
Bên cạnh đó, Sở Y tế phối hợp với các BV đầu ngành, tạo các kênh hội chuẩn từ xa, trao đổi trực tiếp với các bác sĩ tuyến trên. Mỗi BV tuyến trên sẽ phụ trách theo từng vùng và phân công bác sĩ để khi có ca cần hội chẩn thì phối hợp. Như vậy các bác sĩ ở trạm sẽ tự tin hơn chứ không phải lẻ loi một mình, người dân cũng tin tưởng hơn.
“Về trang thiết bị y tế, thuốc men đã chuẩn bị cơ bản, nếu TYT nào thiếu sẽ bổ sung. Sắp tới, các TYT sẽ có X-quang di động”, bác sĩ Thượng nói.
Theo ông Thượng, nếu bệnh nhân đến BV để khám các bệnh thông thường thì phải chờ đợi lâu và chỉ hưởng 80% bảo hiểm y tế. Nhưng khám chữa bệnh tại TYT thì sẽ được hưởng 100%.
Đặc biệt, người dân sẽ có hồ sơ sức khỏe điện tử khi khám ở đây. Khi người dân bị bệnh nặng cần chuyển lên tuyến trên, bác sĩ ở BV tuyến trên sẽ xem được tình trạng, tiểu sử bệnh tật của bệnh nhân.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.