Làm sao để giữ da đẹp du xuân trong những ngày tết?

24/01/2020 08:25 GMT+7

Thời tiết những ngày Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 thường mát mẻ nhưng vẫn có nắng nóng. Trời nắng rát mặt dễ làm da bị cháy nắng , vì vậy bạn cần phải dưỡng da trong khi vẫn vui xuân.

Theo tiến sĩ - bác sĩ Lê Thái Vân Thanh, Trưởng khoa Da liễu - Thẩm mỹ da, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM: Da bị cháy nắng là hiện tượng làn da bị rát, đỏ, sưng tấy thậm chí bong tróc. Da phải tiếp xúc trực tiếp với tia cực tím (UV) từ ánh nắng mặt trời cường độ cao trong một khoảng thời gian quá dài, khiến lớp biểu bì của da bị tổn thương, dẫn đến hiện tượng đỏ da, cháy nắng, bong tróc, nổi bóng nước… Thậm chí trong trường hợp nặng có thể dẫn đến các biểu hiện bỏng độ 2, mất nước hoặc nhiễm trùng.
Nếu tiếp xúc ánh nắng trong thời gian dài có thể dẫn đến lão hóa da hay thậm chí ung thư da, và làm bùng phát các bệnh lý da do ánh nắng…

Nguyên nhân khiến da bị cháy nắng

Bác sĩ Vân Thanh cho biết, có nhiều nguyên nhân khiến da có thể bị cháy nắng trong dịp Tết, trong đó quan trọng nhất là sự chủ quan của chúng ta trong việc bảo vệ da dưới tác động của ánh nắng mặt trời. Trong những ngày Tết, nhịp sống trở nên hối hả hơn, sinh hoạt thất thường cùng nhiều buổi gặp gỡ, tiệc tùng buộc chúng ta phải ra ngoài và khiến làn da phải tiếp xúc nhiều hơn với ánh nắng mặt trời.
Thời gian này trong năm, thời tiết thường mát mẻ nên nhiều người chủ quan, không che chắn, bảo vệ da trước khi đi ra ngoài. Tuy nhiên, đây lại là lúc tia UV dễ dàng tác động lên trên bề mặt da, khiến da sậm màu, mất nước, nặng hơn thì cháy nắng, lão hóa da, ung thư da…
“Trên thực tế, có không ít người sau một thời gian dài giữ gìn da sáng đẹp lại phải than phiền vì sau 1 - 2 tuần chơi tết, da trở nên cháy sạm và phải mất nhiều thời gian chăm sóc để có được làn da đẹp như ban đầu”, bác sĩ Vân Thanh nói thêm.

“Cấp cứu” da bị cháy nắng

Theo bác sĩ Vân Thanh: Khi da bị cháy nắng, cần ngưng ngay việc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, làm dịu da bằng cách đắp mát, thoa các loại sữa dưỡng thể hoặc kem dưỡng ẩm làm dịu da, bù bằng đường uống nếu có mất nước nhẹ.
Nếu đỏ da, đau rát nhiều, có thể sử dụng một số thuốc kháng viêm và giảm đau nhưng phải uống theo chỉ định của bác sĩ.
Nếu tình trạng nghiêm trọng hơn như có dấu hiệu của bỏng nặng, da rộp nước nhiều hay có tình trạng mất nước nhiều, cần nhanh chóng đến các cơ sở y tế có chuyên khoa da liễu để được thăm khám và tư vấn phương pháp điều trị.

Cách bảo vệ da

Bác sĩ Vân Thanh khuyên, việc bảo vệ da tránh nguy cơ bị cháy nắng là điều phải thực hiện thường xuyên và đặc biệt là trong dịp Tết, khi mọi người có nhiều thời gian đi du lịch, ra ngoài du xuân.
Để phòng ngừa da bị cháy nắng cần:
- Tránh tiếp xúc trực tiếp ánh nắng mặt trời trong khoảng từ 10 giờ sáng đến 16 giờ chiều.
- Khi tham gia các hoạt động ngoài trời, nên sử dụng áo dài tay, quần dài, nón rộng vành và đeo kính mát để hạn chế tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
- Thoa kem chống nắng đúng cách: chọn kem chống nắng có chỉ số SPF 30 trở lên, thoa lượng đủ dày, thoa kem chống nắng ít nhất 20 phút trước khi ra ngoài, thoa lại sau mỗi 2 tiếng hoặc sau khi tắm hay ra mồ hôi nhiều. Thoa kem chống nắng cả khi thấy trời râm mát.
- Kết hợp thoa kem chống nắng và sử dụng viên uống chống nắng theo chỉ định của bác sĩ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.