Kỳ 2: Bác sĩ Nguyễn Quảng Đại - Y thuật chính là y đức của bác sĩ

21/11/2017 08:00 GMT+7

Trong 6 năm đảm nhận chức vụ Trưởng khoa Tai Mũi Họng ở Bệnh viện FV, bác sĩ Nguyễn Quảng Đại đã chữa hàng trăm ca bệnh cực khó về ung thư đầu cổ, là bậc thầy về phẫu thuật tai, tai thần kinh và sàn sọ.

       
Một thành tích đáng nể ở vị bác sĩ 45 tuổi hay cười, hóm hỉnh, nhưng ẩn chứa đằng sau đó là những tâm tư, trăn trở, nỗi niềm thiết tha với bệnh nhân.
Tiếp đón chúng tôi sau một buổi sáng làm việc bận rộn, BS Nguyễn Quảng Đại vẫn giữ được nụ cười rất tươi trên môi. Với ánh mắt lấp lánh niềm vui, anh khoe: “Cô Ng. ở Bến Tre mới lên đây tuần rồi xong. Trông cổ khỏe lắm. 5 năm qua rồi, chắc là yên tâm được rồi”.
Cô Ng. mà anh nhắc tới là ca bệnh từng gây “chấn động” trong giới y học nước nhà vào năm 2012. Khi đó, báo giới rầm rộ đưa tin về ca bệnh đầu tiên, có thể coi là kinh điển ở Việt Nam, được BS Nguyễn Quảng Đại của Bệnh viện FV thực hiện: Bệnh nhân mắc bệnh ung thư lưỡi giai đoạn cuối, được điều trị bằng cách đoạn lưỡi toàn phần và tái tạo lưỡi mới từ cơ đùi của chính bệnh nhân.
“Mình không làm thì họ sẽ chết mất”
Tôi hỏi anh về trường hợp của cô Ng: “Căn bệnh của cô Ng. đã ở giai đoạn cuối rồi, tại sao anh lại nhận chữa trị và tin rằng mình có thể cứu được bệnh nhân?”. Anh nói: “Lúc đó cũng khó khăn lắm nhưng nếu mình không làm thì cổ chết thiệt đó, chắc chỉ khoảng một tháng nữa thôi. Mình nghĩ đơn giản thế này, nếu trên thế giới có người làm thành công rồi, vậy thì mình cũng sẽ làm được”.
Bởi nỗi trăn trở “không làm thì bệnh nhân sẽ chết”, BS Đại đã tìm đọc đủ mọi tài liệu về các ca tương tự. Cuối cùng, anh tìm được thông tin mình cần: ở Viện Gustave Roussy của Pháp, một trong hai viện ung thư hàng đầu châu Âu, đã thực hiện phẫu thuật đoạn lưỡi và tái tạo lưỡi thành công. Tuy nhiên, số ca thực hiện đến khi đó chừng hơn 20 ca.
Hy vọng mở ra cộng với quyết tâm mạnh mẽ phải cứu chữa bệnh nhân, anh dốc hết sức nghiên cứu, tìm hiểu kỹ các ca đã thành công, đem ra trình bày và tham khảo ý kiến của đồng nghiệp trong Trung tâm điều trị ung thư Hy Vọng của Bệnh viện FV. Khi phác đồ điều trị được thống nhất, anh lại vấp phải khó khăn khác: bệnh nhân do dự vì nghe nói phải cắt lưỡi.
BS Đại bật cười nhớ lại, nếu ở vị trí của mình thì cũng sợ lắm nếu bị đề nghị… cắt lưỡi. Đó là tâm lý hết sức bình thường của người bệnh nên dù nóng lòng muốn cứu chữa, anh cũng tôn trọng quyết định của bệnh nhân: “Người ta phải muốn thì mình mới làm, chứ không thành ra BS… ép bệnh nhân phẫu thuật?”. Anh kiên nhẫn giải thích từng chút một với bệnh nhân về cơ hội cuối cùng của chị.
Hai ngày sau, bệnh nhân quay lại và đồng ý phẫu thuật. Anh vừa mừng lại vừa lo bởi giờ đây bệnh nhân đã trao hết tính mạng vào tay mình. Rồi như một vị nhạc trưởng tài ba, anh đã thuần thục và khéo léo hướng dẫn hai ê kíp thực hiện chính xác các động tác phẫu thuật khó: cắt bỏ toàn bộ lưỡi chỉ chừa lại một phần cuống, nạo bỏ toàn bộ hạch cổ, lấy vạt cơ cùng da và dây thần kinh của mặt trước ngoài của đùi để cuộn lại tạo thành chiếc lưỡi mới cho bệnh nhân. Suốt gần 12 tiếng đồng hồ căng thẳng và tập trung cao độ, ca phẫu thuật đã thành công ngoài mong đợi.
Y thuật càng cao thì y đức cũng càng cao
Nhiều người biết tới BS Đại là người đứng sau những ca mổ cực khó nhưng nhiều đồng nghiệp còn nể anh bởi kinh nghiệm dày dặn, khả năng học hỏi không ngừng. Được biết cho đến thời điểm năm 2009, BS Nguyễn Quảng Đại là người đầu tiên và cũng là một trong rất ít người trong giới y khoa tại TP.HCM, giành được học bổng FISCH (Fisch International Microsur- gery Foundation) - một chương trình học bổng uy tín của Thụy Sĩ do chính bậc thầy về phẫu thuật tai và sàn sọ là Giáo sư Ugo Fisch trao tặng. Ngoài ra, BS Đại còn liên tục theo học các khóa đào tạo nâng cao ở các nước như Anh, Áo, Thụy Sĩ, Canada… Lý giải cho nỗ lực không biết mệt mỏi của mình, anh nói, bản thân anh cực kỳ coi trọng tay nghề và y thuật. Đơn giản với anh “Y thuật chính là y đức của bác sĩ”. Nếu một người có y thuật càng cao thì sẽ có nhiều người được cứu chữa hơn, giảm được nhiều biến chứng và rủi ro trong quá trình điều trị.
Trong suốt 18 năm hành nghề cũng là hành trình anh không ngừng học hỏi. Tôi hỏi, ai là người thầy lớn nhất và dạy anh được nhiều bài học nhất. Câu trả lời của anh khá bất ngờ: “Là bệnh nhân”. Trong mắt họ, anh là người mang họ trở về từ cửa tử. Có người nói lời cảm ơn, có người gửi anh món quà quê chân chất khiến anh cảm động mãi không thôi. Với anh, họ không phải người bệnh mà là người thầy, là những người anh cảm ơn vì đã cho anh có cơ hội được cứu chữa, được thực hành những gì đã học, được rút kinh nghiệm cho những ca bệnh sau.
Đứng giữa sinh tử, phải đặt chất lượng sống của bệnh nhân lên đầu
“Là người luôn đối diện với những ca khó, vậy thì không ít lần anh đứng trước ranh giới sinh tử, anh có sợ không?”, tôi hỏi BS Đại. Anh không ngần ngại thừa nhận nỗi trăn trở của mình: “Có sợ chứ. Sợ bệnh nhân chết, sợ để lại di chứng vì có những ca mổ rất nguy hiểm. Lúc đó phải cân nhắc đến chuyện điều trị triệt để và an toàn của bệnh nhân, luôn phải đặt an toàn của họ lên hàng đầu. Mình ráng lấy hết u, người ta sống rồi đó, nhưng sống ra sao?...”. Lúc này, người BS, ngoài việc cứu sống bệnh nhân còn quan tâm tới an toàn và chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Cắt lưỡi, nhưng phải trả cho bệnh nhân một cuộc sống nếm được hương vị thức ăn và quan trọng vẫn có thể cất lời.
Anh ví công việc của mình giống một người nhạc trưởng, nhưng anh cũng ngậm ngùi bảo rằng nghề y là nghề mạo hiểm, người làm BS phải có lúc vượt qua bản thân. “Nếu mình quá bảo vệ cho danh tiếng của bản thân, chọn cách an toàn thì cuối cùng ai là người chữa cho bệnh nhân đây? Khi vượt qua một ca, tới trường hợp thứ hai sẽ thấy nhẹ nhàng hơn. Tới trường hợp thứ ba, thứ tư, thứ năm… thì mọi thứ vô quy trình rồi”.
May mắn là Bệnh viện FV nơi BS Đại gắn bó được 6 năm có những điều kiện hỗ trợ cho mong muốn của anh. Năm 2016, bệnh viện đã đạt chứng chỉ quốc tế JCI - đặt an toàn của bệnh nhân lên hàng đầu. Công việc trưởng khoa chịu trách nhiệm về mặt chuyên môn cộng với trang thiết bị hiện đại, quy trình sử dụng thuốc và kháng sinh chặt chẽ… giúp anh an tâm tập trung đào sâu y thuật.
Giờ đây, bằng sự thấu cảm đặc biệt dành cho bệnh nhân, thêm vào chìa khóa là y thuật trong tay nên khi bước vào phòng mổ sẽ thấy tự tin. “Bệnh nhân nằm trên bàn mổ thấy BS cười là thấy thoải mái, họ sẽ hoàn toàn trút bỏ hết lo lắng”, BS Đại mỉm cười đúc kết.
(Còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.