Kỳ 10: Bác sĩ Phan Văn Thái: Người không từ chối những ca ‘9 chết 1 sống’

16/01/2018 08:00 GMT+7

Ấn tượng đầu tiên về bác sĩ Thái với bất cứ bệnh nhân nào cũng là hình ảnh một người có phong thái nhanh nhẹn, giọng nói điềm tĩnh, thân tình.

Thế nhưng, ít ai biết được đằng sau người thầy thuốc ấy chứa đựng sự cứng rắn với những ca bệnh khó, quyết tâm giành lại cuộc sống tốt đẹp cho bệnh nhân của mình.

Tôi biết tới tên tuổi của bác sĩ Phan Văn Thái khi anh là người tham gia ca phẫu thuật cắt khối u khổng lồ 90 kg cho bệnh nhân Nguyễn Duy H. (ngụ Đà Lạt) vào năm 2012. Gần đây, tôi hẹn anh lúc 2 giờ chiều nhưng mãi một lúc lâu mới gặp được vì anh còn bệnh nhân đang chờ. Một điều dưỡng cho hay anh luôn không có giờ nghỉ trưa. Vậy mà, khi gặp gỡ, tôi hỏi anh có cảm thấy mệt mỏi không, anh cười bảo: “Mình chỉ mệt mỏi khi bản thân không làm tốt thôi, còn gặp gỡ bệnh nhân là chuyện bình thường”.

Không phải cứ dấn thân liều là có kinh nghiệm

Tò mò, tôi hỏi tại sao suốt những năm hành nghề anh không có sai sót nghiêm trọng nào, có phải anh chỉ chọn những ca an toàn mà không chịu xông pha? Anh cười nói: “Lúc đi học, mình nghĩ phải dấn thân vào nhưng sau này đối diện với thực tế, có những chuyện không phải lúc nào mình cũng lường trước được. Không phải cứ dấn thân, liều lĩnh mới có kinh nghiệm”.

Với chuyện làm nghề y, bác sĩ Thái luôn có những nguyên tắc hết sức rõ ràng: anh không chọn cách “dấn thân vào liều lĩnh” mà bỏ nhiều công sức đi con đường tỉ mỉ, cẩn trọng hơn. Để có thể dốc sức cứu bệnh nhân, anh tập trung trau dồi tri thức vì nếu càng biết nhiều thì càng bớt đi cái sai, khi chữa trị thì “biết 10 làm 7”. Anh giải thích về nguyên tắc khá lạ lùng trên là vì “diễn biến phẫu thuật phức tạp, có khi ngoài tầm với của mình” mà con người thì không phải lúc nào cũng đúng 100% nên mỗi bước đều phải cẩn trọng. Với anh, y đức của bác sĩ không phải chuyện gì quá cao xa mà chính là làm mọi việc trong khả năng của bản thân, luôn đặt an toàn bệnh nhân lên cao nhất.

Bản thân anh dù đã là chuyên gia về phẫu thuật trong lĩnh vực ngoại tổng quát và tiêu hóa với thế mạnh về phẫu thuật tuyến giáp, gan, mật, tụy, dạ dày, đại tràng… nhưng khi thực hiện mổ ruột thừa, loại phẫu thuật anh đã thực hiện cả ngàn lần thì anh cũng không bao giờ chủ quan dẫu là một chi tiết nhỏ: anh vừa đứng từ đầu đến cuối ca mà còn tự mình đi kiểm tra kỹ các dụng cụ trước khi bước vào cuộc mổ.

Không từ chối những ca bệnh “9 chết 1 sống”

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình bình dân ở Huế, từ nhỏ bác sĩ Thái đã mong muốn được theo đuổi nghề y, làm việc cứu người. Mong muốn đó cũng tác động đến quan niệm của anh về thành công: “Thành công của ca mổ là cứu được người chứ không phải là thích mổ để mang lại thu nhập cho mình”.

Thật vậy, trước một ca bệnh, anh luôn nghiên cứu kỹ càng và tìm ra phương cách điều trị tốt nhất: điều trị bằng thuốc hoặc phẫu thuật, cái nào có lợi hơn cho bệnh nhân? Anh vận dụng hết kinh nghiệm, kiến thức và cả linh cảm của một người thầy thuốc với những ca mà anh gọi là “9 chết 1 sống”, thường xảy ra với bệnh nhân lớn tuổi hoặc mắc các bệnh khác cùng lúc.

Anh trải lòng, quá trình làm nghề phải đối mặt với nhiều ca mà hy vọng cứu sống rất mong manh nhưng anh không bao giờ nói từ chối. Anh nhớ một cụ bà 90 tuổi từng nhập viện với chẩn đoán bị thủng đại tràng, chất thải và dịch đã tràn ra ổ bụng. Dù gia đình bệnh nhân đã chuẩn bị tâm lý và ca bệnh hầu như còn ít hy vọng, anh vẫn bắt tay vào phẫu thuật ngay. Suốt 3 giờ đồng hồ, anh và ê kíp đã xử lý vết thủng đại tràng, dọn dẹp dịch tràn phần bụng, cứu sống bệnh nhân thành công trong sự bất ngờ và vui mừng của thân nhân người bệnh.

Ở những thời khắc quyết định như vậy, anh thể hiện bản lĩnh cứng rắn của mình: “Sau bao năm chiến đấu thì kinh nghiệm là điều cực kỳ quan trọng, khi vào cuộc mổ mình không lề mề nữa mà dứt điểm giải quyết sống chết ngay lập tức cho bệnh nhân”. Anh chia sẻ, sở dĩ có thể phát huy được sở trường của bản thân là vì ở FV đã tạo ra môi trường chuẩn quốc tế, tất cả mọi thứ đã được đảm bảo bởi quy trình chặt chẽ được JCI công nhận. Bên cạnh đó, nếu nghi ngờ chuyện gì không đúng thì hội đồng hội chẩn, ban giám đốc và các đồng nghiệp đều hỗ trợ một cách rất kịp thời, linh động. Anh nhớ lại một ca bệnh lớn khác là bệnh nhân bị ung thư đại tràng và di căn qua gan. Trước khi tiến hành ca phẫu thuật dài gần 8 tiếng, anh đã phối hợp với các bác sĩ chẩn đoán hình ảnh, hỏi các đồng nghiệp để cân nhắc và xin đổi ca trực để chuẩn bị sức khỏe tốt nhất. Có lẽ, sự tỉ mỉ và chu đáo trong từng chi tiết nhỏ đó cũng là một trong những yếu tố góp phần nên thành công của vị bác sĩ tài ba trong gần 15 năm làm việc dưới ngôi nhà FV.

Muốn điều trị tốt, phải hiểu và tôn trọng bệnh nhân

Khi theo ngành y, mỗi sinh viên đều sẽ được học cách giao tiếp với bệnh nhân, nhưng học và thực hành vẫn khác xa nhau. Ở Bệnh viện FV, giao tiếp là một trong những bước cực kỳ quan trọng trong khâu khám chữa bệnh. Bác sĩ Thái nhớ lại những ngày đầu non nớt, anh cảm thấy buồn vì bị bệnh nhân hiểu lầm nhưng sau này, anh xác định muốn giao tiếp tốt, hỗ trợ điều trị tốt thì cần hiểu bệnh nhân trước tiên. “Mình nên tôn trọng bệnh nhân bằng cả lời nói và hành động. Khi giúp họ bớt đau thì mình cũng thấy vui, nên thật ra cũng không biết mệt mỏi là gì. Việc tuy có hơi tốn thời gian nhưng mình đang chăm sóc mạng sống cho từng bệnh nhân mà!”, anh chia sẻ.

Vì thế mà người ta bắt gặp một bác sĩ Thái luôn trò chuyện một cách bình dân nhất để người bệnh hiểu, thái độ lịch sự, gần gũi, không phân biệt giàu nghèo… Với những ca bệnh khó hay người bệnh tâm lý bất an, anh đặt nhiều thời gian hơn để an ủi, trấn an họ. Thậm chí những giờ nghỉ bên gia đình, anh cũng không ngần ngại nhận các cuộc gọi từ bệnh viện, từ quê lên để lắng nghe và tư vấn cho người bệnh.

Giờ đây, khi đã qua tuổi 40, cái tuổi được coi là chín với nghề y thì anh mới đúc kết cho mình: “Một khi đã yêu nghề thì mình mới giữ được lửa nghề. Mình vui với những gì đang làm và nếu bản thân vẫn bình an thì muốn làm mãi đến cuối đời thôi!”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.