Kiểm soát những cơn đau mạn tính

15/07/2016 10:59 GMT+7

Đau mạn tính là chứng đau dai dẳng tái đi tái lại nhiều lần, và nó có thể phá hủy cả về thể lực và tâm lý của con người.

Đau là yếu tố quan trọng của sự sinh tồn, là dấu hiệu của bệnh tật và phải tìm ra nguyên nhân để chữa. Bệnh nhân đau mạn tính thường phải điều trị nhiều nơi, với nhiều thầy thuốc và với các phương pháp điều trị khác nhau nhưng cuối cùng chứng đau vẫn không khỏi hoặc không thuyên giảm; điều đó khiến cho người bệnh càng thêm lo lắng và mất niềm tin, từ đó bệnh tình càng trầm trọng hơn.
Từ đau thần kinh thẹn, đau đám rối tạng...
Cách đây 4-5 tháng, anh T.V.M, 37 tuổi, nhân viên văn phòng của một công ty có trụ sở tại Q.1, TP.HCM bắt đầu cảm thấy đau ở vùng bẹn rất nhiều, cơn đau lan từ bẹn xuống phần trong của đùi, lan xuống bộ phận sinh dục, đau bỏng rát phần hậu môn. Trải qua nhiều phương pháp điều trị như nội khoa, chích phong bế thần kinh thẹn nhưng không cải thiện. Anh M. qua Pháp mổ giải ép dây thần kinh thẹn, tình hình có cải thiện hơn, nhưng sau đó về Việt Nam cơn đau lại bùng phát và có chiều hướng dữ dội hơn khiến anh cảm thấy vô cùng bế tắc.
Nói về trường hợp của anh M., BS Nguyễn Minh Anh - Trưởng Khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cho biết do bệnh nhân trải qua nhiều thủ thuật xâm lấn và việc tuân thủ phác đồ điều trị chưa tốt đã tác động tiêu cực đến tâm lý người bệnh. Hiện bác sĩ Minh Anh đã lập phác đồ điều trị đa mô thức, khởi đầu lại liệu trình cho anh M, và hiện cơn đau của anh M. đã giảm hẳn sau 4 tháng điều trị.
Khác với anh M., chị N.T.K.L, 45 tuổi ở Bình Phước bị đau bụng dưới dữ dội. mặc dù chị L. đã khám phụ khoa, loại trừ các khả năng bị lạc nội mạc tử cung, ứ tai vòi…, vấn đề về ngoại khoa cũng được loại trừ nên chuyển qua khám tổng quát, nội soi , MRI ... vẫn không phát hiện bất thường nào. Trước tình hình đó, các bác sĩ quyết định tìm hiểu kỹ và cuối cùng chẩn đoán chị L. bị đau đám rối tạng nên được điều trị theo hướng đau mạn tính và sau 1-2 tháng tuân theo phát đồ điều trị, cơn đau của chị L. đã được cải thiện rõ rệt.
Điều trị và chăm sóc cho người bệnh có vấn đề về đau là điều cần thiết - Ảnh: Shutterstock

... Đến đau sau tai biến
Một bệnh nhân nam 40 tuổi ở Tây Ninh, mới đây cũng đến bệnh viện Đại học Y Dược thăm khám khi cảm thấy không chịu được những cơn đau ở phần vai bên phải, kèm theo hạn chế vận động khớp vai kể từ khi cơn tai biến xảy ra cách đây 6 tháng. Bác sĩ Minh Anh cho biết bệnh nhân bị tai biến mạch máu não khoảng 6 tháng trước đây, liệt ½ người bên phải, đang điều trị bằng phương pháp vật lý trị liệu. Người bệnh đã điều trị bệnh lý gốc, nhưng xuất hiện đau phần vai bên phải, hạn chế vận động khớp vai do đau dẫn đến bỏ điều trị vật lý trị liệu, ảnh hưởng đến việc hồi phục. Để giải quyết vấn đề này, các bác sĩ cho người bệnh thực hiện liệu pháp điều trị đa mô thức, tư vấn tâm lý, sử dụng thuốc và phối hợp lại vật lý trị liệu. Sau một thời gian, bệnh nhân đã có thể kiểm soát được tình trạng đau, và có thể tập vật lý trị liệu đều đặn.
Vậy đau mạn tính là gì?
Theo bác sĩ Minh Anh, đau mạn tính là chứng đau dai dẳng, tái đi tái lại nhiều lần và kéo dài lâu hơn thời gian dự tính, thường được định nghĩa một cách tương đối là đau kéo dài từ 3 tháng trở lên hoặc thất bại với điều trị thuốc tích cực, tác động xấu ít nhiều đến thể lực và cả về tâm lý. Đau mạn tính có thể bắt đầu như một đau cấp nhưng kéo dài lâu hoặc có thể đau tái đi tái lại do tổn thương vẫn tồn tại. Đau mạn cũng có thể không xác định được nguyên nhân. Đau mạn ảnh hưởng xấu đến cuộc sống, bao gồm các hoạt động thể lực, học hành, ngủ nghỉ, quan hệ gia đình - xã hội và có thể dẫn đến buồn phiền, trầm uất, mất ngủ, mỏi mệt, thay đổi tâm tính. Thông thường, đau mạn được phân biệt thành đau mạn ác tính hay không ác tính.
Đau mạn ác tính bao gồm: đau ở các bệnh nhân ung thư, HIV/AIDS, bệnh xơ cứng teo cơ một bên, bệnh xơ cứng rải rác, giai đoạn cuối của suy tạng, bệnh phổi tắc nghẽn tiến triển, suy tim sung huyết nặng.
Đau mạn không ác tính bao gồm: đau cơ - xương mạn (ví dụ như đau tủy sống hay đau lưng thấp, viêm khớp thoái hóa mạn, viêm xương - khớp, viêm khớp dạng thấp, đau cơ - mặt, đau do thấp, đau đầu mạn, đau nửa đầu, đau xương); đau do bệnh thần kinh; đau sau tổn thương thần kinh và đau sau đoạn chi; bệnh thần kinh do đái tháo đường; co thắt cơ xương, đau dây thần kinh sau mụn rộp (herpes), đau mạn sau phẫu thuật; đau tạng (ví dụ như căng dãn các tạng rỗng và cơn đau quặn bụng); và đau mạn trong bệnh thiếu máu hồng cầu liềm.
Kiểm soát cơn đau mạn tính
Người bệnh đau mạn tính cần được đánh giá toàn diện về những tổn thương thực thể cũng như những tổn thương tâm lý. Điều trị chăm sóc toàn diện cho người bệnh có vấn đề về đau là điều cần thiết. Người bệnh cần được thăm khám và đánh giá toàn diện về bệnh tật và cần được tư vấn về tâm lý để giúp cho quá trình lành bệnh nhanh hơn. Điều trị đau man tính cần được tiến hành với sự phối hợp nhiều chuyên khoa (nội thần kinh, ngoại thần kinh, gây mê hồi sức, tâm lý trị liệu, phục hồi chức năng…) và kể cả các thủ thuật mới trong điều trị đau. Trong quá trình điều trị, sự chịu đau của bệnh nhân có thể tăng lên nhờ: các triệu chứng được giảm nhẹ, ngoài ra việc ngủ, nghỉ ngơi, vật lý trị liệu, điều trị thư giãn, sự thấu cảm, giải trí, đọc sách báo cũng góp phần nâng đỡ tâm trạng của người bệnh.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.