Kiểm soát nguy cơ bệnh bại liệt xâm nhập

Liên Châu
Liên Châu
21/12/2019 08:28 GMT+7

Mặc dù hơn 20 năm Việt Nam không ghi nhận ca bệnh bại liệt , nhưng nguy cơ ca bệnh xâm nhập có thể xảy ra.

Ca bệnh do vi rút vắc xin biến đổi

Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), từ ngày 20.9 đến nay, Philippines đã công bố 3 trường hợp bệnh bại liệt thể 2 do vi rút có nguồn gốc vắc xin biến đổi di truyền. Ngoài ra, một số mẫu bệnh phẩm từ trẻ khỏe mạnh và từ môi trường cũng cho kết quả dương tính với vi rút bại liệt thể 1, 2. Đây là lần đầu tiên quốc gia này ghi nhận bệnh bại liệt quay trở lại kể từ khi đạt mục tiêu thanh toán bệnh bại liệt do vi rút hoang dại vào năm 2000.
Philippines bị ảnh hưởng bởi cả vi rút bại liệt có nguồn gốc vắc xin biến đổi di truyền thể 1, 2 và được đánh giá là tình trạng y tế công cộng khẩn cấp. Nguyên nhân do tỷ lệ tiêm chủng thấp, tình trạng vệ sinh kém trong nhiều năm qua tại các vùng có ca bệnh.

Lịch tiêm chủng vắc xin bại liệt cho trẻ nhỏ

 
Uống 3 liều vắc xin bại liệt bOPV lúc 2, 3, 4 tháng tuổi; tiêm 1 liều vắc xin bại liệt IPV lúc 5 tháng tuổi.
Nếu trẻ chưa tiêm chủng đủ mũi bại liệt thì cần tiêm/uống càng sớm càng tốt. Ngoài ra, tại các vùng nguy cơ cao, trẻ em cũng cần uống bổ sung vắc xin bại liệt bOPV trong các chiến dịch tiêm chủng bổ sung.
WHO cũng cho biết Philippines đang triển khai các hoạt động phòng chống bệnh bại liệt trên quy mô toàn quốc, trong đó, chiến dịch tiêm chủng bổ sung vắc xin phòng bại liệt bOPV thực hiện từ tháng 11.2019 - tháng 2.2020. Đồng thời, nước này cũng tăng cường công tác giám sát bại liệt, bao gồm giám sát ca bệnh và giám sát vi rút bại liệt trong môi trường, là cơ sở xây dựng kế hoạch đối phó với dịch bệnh.
Mặc dù đánh giá nguy cơ lây lan quốc tế từ Philippines là thấp, nhưng WHO vẫn khuyến cáo tất cả quốc gia, đặc biệt là những quốc gia thường xuyên di chuyển và tiếp xúc với quốc gia và khu vực bị ảnh hưởng bởi bệnh bại liệt, cần tăng cường giám sát các trường hợp liệt mềm cấp để phát hiện vi rút xâm nhập và đáp ứng kịp thời. Các quốc gia, vùng lãnh thổ và khu vực cũng cần duy trì tỷ lệ tiêm chủng thường xuyên cao để giảm hậu quả của sự lây truyền vi rút bại liệt.

Kiểm tra lịch sử tiêm chủng

Theo PGS-TS Dương Thị Hồng, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư (Bộ Y tế), tại Việt Nam, 22 năm qua không ghi nhận trường hợp mắc bại liệt hoang dại (ca bệnh cuối cùng ghi nhận từ tháng 1.1997).
Tuy nhiên, trước nguy cơ xâm nhập vi rút bại liệt vào Việt Nam, chuyên gia tiêm chủng lưu ý: “Để chủ động phòng bệnh bại liệt cần tạo miễn dịch phòng bệnh cho từng cá nhân cũng như đạt tỷ lệ bao phủ cao để bảo vệ chung cho cả cộng đồng. Do đó, việc tiêm đủ mũi vắc xin bại liệt cho trẻ em dưới 1 tuổi theo lịch của Chương trình TCMR là rất cần thiết. Vắc xin này được sử dụng tại Việt Nam từ năm 1962, giúp thanh toán bệnh bại liệt trên toàn quốc từ năm 2000”.
Theo bà Hồng, với những trường hợp đến Philippines nhân sự kiện SEA Games 30, cần kiểm tra rõ lịch sử tiêm chủng của các cá nhân. Trong trường hợp không rõ, nên được tư vấn của nhân viên y tế về tiêm chủng.
Theo Bộ Y tế, bại liệt là bệnh nhiễm vi rút cấp tính lây truyền theo đường tiêu hóa, do vi rút Polio gây nên. Bệnh có thể lan truyền thành dịch lớn. Vi rút Polio sau khi vào cơ thể sẽ đến hạch bạch huyết, xâm nhập vào hệ thống thần kinh T.Ư gây tổn thương ở tế bào thần kinh vận động. Người là ổ chứa duy nhất vi rút này. Tỷ lệ mắc bại liệt cao nhất ở trẻ dưới 3 tuổi. Tuy nhiên, có xu hướng tăng ở lứa tuổi trên 15.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.