Không chủ quan với dịch đau mắt đỏ và sốt xuất huyết

11/09/2015 15:43 GMT+7

(TNO) Tháng 9 với nhiều dịch bệnh xuất hiện tại Đà Nẵng, trong đó dịch đau mắt đỏ và dịch sốt xuất huyết gây lo lắng cho nhiều người dân.

(TNO) Tháng 9 với nhiều dịch bệnh xuất hiện tại Đà Nẵng, trong đó dịch đau mắt đỏ và dịch sốt xuất huyết gây lo lắng cho nhiều người dân.

10g30 sáng nhưng bệnh nhân chờ đợi đến lượt khám tại Bệnh viện Mắt Đà Nẵng vẫn rất đông10 giờ 30 sáng nhưng bệnh nhân chờ đợi đến lượt khám tại Bệnh viện Mắt Đà Nẵng vẫn rất đông
Đau mắt đỏ với nhiều ca bệnh nặng
Có mặt tại Bệnh viện Mắt những ngày này, chúng tôi ghi nhận mặc dù đã 10 giờ 30 sáng, nhưng số lượng bệnh nhân đến khám các bệnh về mắt vẫn chờ đợi đến lượt mình rất đông đúc. Trong đó, đa phần là các bệnh nhân bị viêm kết mạc gây đỏ mắt và nhiều chuyển biến nặng.
Bệnh nhân Trần Văn Sơn, trú tại quận Sơn Trà (Đà Nẵng), cho hay anh bị đau mắt đỏ trong nhiều ngày qua, chủ quan tự điều trị vì nghĩ bệnh nhẹ. Nhưng càng nhỏ mắt bệnh càng nặng hơn, chưa kể lây sang nhiều người trong nhà nên anh phải lên bệnh viện khám.
Năm nay, theo các bác sĩ của Bệnh viện Mắt Đà Nẵng, tình hình dịch đau mắt đỏ không đến nổi ồ ạt như đỉnh dịch năm 2014, nhưng diễn tiến dịch trong những ngày vừa qua có chiều hướng gia tăng.
Trong tháng 7, có 240 trường hợp, tháng 8 là 222 trường hợp và chỉ riêng trong 10 ngày đầu tháng 9, đã có 124 trường hợp đến khám điều trị tại Bệnh viện Mắt. Tuy con số thấp so với năm trước, nhưng có rất nhiều trường hợp bị biến chứng nặng.
“Không ít bệnh nhân bị viêm kết mạc, đến khám khi bệnh đã chuyển nặng rất nhiều, buộc phải nhập viện điều trị dài ngày”, bác sĩ Nguyễn Văn Khôi, Trưởng khoa Khám bệnh - Bệnh viện Mắt Đà Nẵng, cho hay.
Cũng theo bác sĩ Khôi, trong những ngày gần đây, khoa Khám bệnh của Bệnh viện Mắt phải tăng cường thêm đội ngũ y, bác sĩ để phục vụ số lượng bệnh nhân đang tăng mạnh.
“Chúng tôi tổ chức khám cho đến khi hết bệnh nhân, có hôm phải khám đến 12 giờ trưa vẫn chưa hết bệnh.”, BS Khôi cho biết.
Đồng thời với dịch đau mắt đỏ, tại Đà Nẵng, dịch sốt xuất huyết trong tuần này cũng có dấu hiệu gia tăng so với tuần trước. Theo Trung tâm Y tế dự phòng, trong tuần qua có gần 20 trường hợp mắc số xuất huyết, tăng gấp đôi số người mắc so với tuần trước.
Hai địa bàn tập trung người mắc bệnh là quận Liên Chiểu và quận Cẩm Lệ. Trong đó, một số trường hợp khi mắc bệnh sốt xuất huyết lại nhầm lẫn mình bị sốt siêu vi, nên khi nhập viện bệnh trễ, bệnh chuyển nặng.
Không chủ quan với dịch bệnh
Ao tù, nước đọng, thiếu giữ gìn vệ sinh chung cùng với thời tiết diễn tiến phức tạp thời gian qua là nguyên nhân dẫn đến dịch sốt xuất huyết đang ngày càng gia tăng.
Mọi năm, thời điểm này là đỉnh dịch sốt xuất huyết, nhưng năm nay tình hình dịch lắng dịu hơn nhiều năm trước. Nhưng, với thời tiết đang nắng mưa thất thường trong nhiều ngày qua, không thể chủ quan đối với dịch sốt xuất huyết.
Bệnh nhân mắc bệnh đau mắt đỏ phải đến các cơ sở y tế điều trị cho đúng bệnh, tránh tình trạng tự điều trị làm bệnh nặng thêm và hậu quả rất nghiêm trọng
Bệnh nhân mắc bệnh đau mắt đỏ phải đến các cơ sở y tế điều trị cho đúng bệnh, tránh tình trạng tự điều trị làm bệnh nặng thêm và hậu quả rất nghiêm trọng
Theo bác sĩ Tôn Thất Thạnh, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Đà Nẵng, để tránh việc dịch bệnh gia tăng đột ngột khó kiểm soát, ngay khi xuất hiện các trường hợp dịch sốt xuất huyết, Trung tâm Y tế dự phòng đã tuyên truyền cho người dân cần phải tăng cường công tác vệ sinh môi trường nơi cư trú, làm quang sạch bụi rậm, không để nước tù đọng... Những khu vực có chỉ số bọ gậy, muỗi cao, ngành y tế sẽ triển khai công tác diệt bọ gậy, phun thuốc.
Đối với dịch đau mắt đỏ, bác sĩ Nguyễn Văn Khôi khuyến cáo đến người dân, nên giữ vệ sinh cá nhân luôn luôn sạch sẽ, luôn rửa tay sạch bằng xà phòng diệt khuẩn hoặc cồn sát trùng. Người bệnh đau mắt đỏ cũng cần có ý thức nhằm tránh lây lan ra cho cộng đồng, đồng thời không được tự điều trị mà phải đến các cơ sở y tế để được tư vấn.
“Rất nhiều bệnh nhân sau khám phải lập tức nhập viện để điều trị lâu dài. Thường là những trường hợp trẻ nhỏ 3 - 4 tuổi, do khi bị viêm kết mạc, các em không hạn chế được việc dụi mắt, gây tình trạng xước kết mạc, viêm nặng hơn”, bác sĩ Khôi khuyến cáo.
Đối với trẻ nhỏ, phải chăm sóc kỹ, theo sát, nhằm tránh cho trẻ những chuyển biến nặng, rất nguy hiểm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.