Khẩn cấp dập dịch sởi

Duy Tính
Duy Tính
27/09/2018 05:03 GMT+7

Trước tình hình dịch bệnh sởi gia tăng, hôm qua Viện Pasteur TP.HCM họp khẩn trực tuyến với 20 tỉnh phía nam để triển khai các giải pháp phòng chống, dập dịch .

Tại buổi trực tuyến, PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, khẳng định vắc xin ngừa sởi không thiếu và yêu cầu các tỉnh lên kế hoạch chi tiết, tập trung dập dịch. Bên cạnh đó, hiện sốt xuất huyết, tay chân miệng cũng đang vào "mùa", Viện Pasteur TP đề nghị các tỉnh rà soát lại tổng thể để có biện pháp phòng chống triệt để, vì nguy cơ "dịch chồng dịch" tại khu vực Đông Nam bộ.
Nguy cơ ở khắp các tỉnh, thành
Theo PGS-TS Phan Trọng Lân, bệnh sởi lây lan rất nhanh, chủ yếu lây qua đường hô hấp; một phần qua bắn các hạt nhỏ do hắt hơi, ho ra môi trường. Sởi là bệnh truyền nhiễm phải cách ly tại nhà hoặc tại cơ sở khám, chữa bệnh.
Bác sĩ (BS) Lương Chấn Quang, Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm Viện Pasteur TP.HCM, thông tin tại VN dịch sởi phía bắc đỉnh điểm rơi vào tháng 5, 6; tại phía nam số ca tăng nhiều từ giữa tháng 8 đến nay và chưa có dấu hiệu giảm.
Từ 2008 đến nay, VN ghi nhận có 2 đợt dịch sởi lớn vào cuối năm 2009 đến đầu 2010; cuối 2013 đầu 2014; năm nay dịch tăng từ tháng 8. Phân tích các ca bệnh sởi cho thấy năm nay số bệnh nhân dưới 5 tuổi chiếm 87% (độ tuổi dưới 9 - 18 tháng chiếm số đông). Trong khi năm 2017 sởi chủ yếu mắc trên người lớn.
Có số ca mắc cao nhất khu vực phía nam hiện nay là Đồng Nai với 136 ca, tiếp theo là Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu, TP.HCM… Để giải quyết điểm nóng dịch sởi ở Đồng Nai, Viện Pasteur TP.HCM đã thành lập đoàn điều tra ở Đồng Nai để điều tra.
Trung tâm y tế dự phòng (TTYTDP) tỉnh Đồng Nai cho biết bệnh sởi gia tăng từ giữa tháng 8 và mắc rải rác ở 51 xã phuờng, tập trung nhiều nhất ở H.Nhơn Trạch, TP.Biên Hòa, H.Long Thành, H.Trảng Bom… Miễn dịch trong cộng đồng các khu vực này chưa cao nên nguy cơ gia tăng và lan rộng dịch sởi thời gian tới là rất cao.
BS Lê Hồng Nga, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm TTYTDP TP.HCM, cho biết từ đầu năm đến nay, TP có 96 ca mắc sởi, trong đó tăng đột biến vào tháng 9. TP đã triển khai chiến dịch tiêm bù vắc xin cho trẻ sinh năm 2016, 2017 và đang tính toán lại thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế là tiêm cho trẻ 3 - 5 tuổi.
“TP xây dựng kế hoạch phòng chống bệnh sởi, theo đó những ca nghi ngờ là tiến hành phòng chống dịch xem như một ca bệnh mà không chờ đến kết quả xét nghiệm khẳng định, vì chờ thì thời gian sẽ mất 24 giờ. TP cũng đã triển khai các biện pháp phòng chống lây nhiễm trong bệnh viện và ngoài cộng đồng”, BS Nga cho biết.
Lãnh đạo Viện Pasteur TP lưu ý nguy cơ bùng phát dịch sởi ở tất cả các tỉnh chứ không phải chỉ diễn ra ở các tỉnh đang có ca bệnh sốt phát ban, sởi. Trong khi đó, BS Quang chỉ rõ Bà Rịa-Vũng Tàu là tỉnh có số ca bệnh nhiều thứ 3 tại khu vực Đông Nam bộ nhưng hiện không đăng ký triển khai chiến dịch tiêm vắc xin ngừa sởi cho trẻ từ 1 - 5 tuổi theo chỉ đạo của Bộ Y tế.
Tiêm vắc xin ngừa bệnh sởi cho trẻ Ảnh: Ngọc Dương

Điều tra dịch tễ mở rộng, phát hiện thêm nhiều ca
Theo Viện Pasteur TP.HCM, trong đợt điều tra 8 cụm dân cư tại Đồng Nai, từ 11 ca ban đầu đã phát hiện thêm 16 ca sốt phát ban nghi sởi khác ở những người xung quanh ca bệnh như hàng xóm, nhà trọ, trường học. Sau 2 tuần điều tra, một ổ dịch sởi khác có một nhóm trẻ sốt phát ban nghi sởi từ ca phát hiện ban đầu, chỉ có 2 trường hợp có tiêm chủng không mắc bệnh. Điều này cho thấy các địa phương tập trung vào điều tra bệnh nhân mà không hỏi cộng đồng, nơi ở, nơi làm việc của họ.
“Trong đợt điều tra này, 7/8 ổ dịch là ở nhà trọ, cha mẹ là dân nhập cư, công nhân, bận làm ăn không đưa con đi tiêm ngừa đầy đủ. Ngoài ra, việc quản lý tiêm chủng dựa trên số trẻ do cộng tác viên báo về, còn số trẻ nhập cư di chuyển liên tục, quản lý khó khăn. Tỷ lệ tiêm chủng ở Đồng Nai báo cáo hằng năm đạt chỉ tiêu dựa trên đối tượng quản lý được. Điều tra của Viện tại điểm nóng cho thấy 73% trẻ được tiêm mũi 1, 60% được tiêm đủ 2 mũi. Với những vùng miễn dịch trong cộng đồng không cao như vậy dễ dàng dẫn đến lây lan sởi nhiều hơn khi có mầm bệnh xâm nhập”, BS Quang nói.
Bệnh nhi nhiễm sởi điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Ảnh: Duy Tính
Theo Viện Pasteur TP.HCM, đặc điểm ở Đồng Nai là môi trường nhà ở trọ, ngoài cộng đồng, công nhân đi làm cả ngày nên không nghe truyền thông, không đưa con đi tiêm chủng; tỉnh quản lý đối tượng vãng lai chưa tốt. Vì vậy số ca mắc bệnh ngoài cộng đồng nhiều hơn quản lý do điều tra của tuyến dưới chưa đáp ứng được yêu cầu, chỉ điều tra tại nhà bệnh nhân, chưa điều tra được nguồn lây. Một số bệnh viện cập nhật ca bệnh sai sót, chậm.
“Để ngăn chặn dịch bền vững phải bảo đảm được miễn dịch cộng đồng. Do vậy, Đồng Nai sẽ tiêm cho đối tượng chưa tiêm hoặc chưa rõ lịch tiêm từ 1 - 5 tuổi. Nếu được thì Đồng Nai sẽ thí điểm tiêm sởi cho trẻ từ 6 - 9 tháng tuổi”, lãnh đạo ngành y tế Đồng Nai nói. Về đề xuất này, PGS-TS Lân cho rằng cần phải đánh giá đầy đủ và căn cứ tình hình dịch tễ bệnh sởi trên địa bàn trước khi quyết định. Vì tiêm lúc 6 tháng tuổi chỉ tạo miễn dịch hiệu quả 60 - 70%, tiêm khi 9 tháng 85% và 12 tháng là 95%. Nếu trẻ mắc tập trung dưới 9 tháng tuổi thì cần phải phòng ngừa trên người lớn.
Tiêm phòng cho cả nhân viên y tế
PGS-TS Lân lưu ý để phòng chống thì các tỉnh tập trung vào 2 vấn đề: Tạo miễn dịch cộng đồng, tiêm vắc xin đầy đủ, tiêm thường xuyên, tiêm chiến dịch để bổ sung đầy đủ cho các đối tượng nguy cơ; phát hiện sớm, điều trị kịp thời ca bệnh rất quan trọng. Những nơi điều trị ca bệnh sởi nhiều như các bệnh viện: Nhi đồng 1, Nhi đồng 2... phải tiêm phòng cho nhân viên y tế, những người thường xuyên tiếp xúc với bệnh nhi để tránh lây lan cho bệnh nhi khác. Những nơi biến động dân cư nhiều, khó tiếp cận thì cần có biện pháp quản lý trẻ một cách hiệu quả. Cần báo cáo UBND tỉnh về các khó khăn để có giải pháp tốt hơn nhằm đảm bảo sức khỏe nhân dân.
Đáng lưu ý, ông Lân đề nghị các tỉnh rà soát các đối tượng sinh giai đoạn 1984 - 1997, vì thời gian này chỉ tiêm vắc xin sởi một mũi, tỷ lệ bao phủ chưa cao nên những người nữ được sinh ra thời điểm này hiện đang có con, đang làm lao động chính (kể cả nam) cần phải tiêm ngừa trước khi dự định có thai, đặc biệt là công nhân ở các khu công nghiệp để không lây cho con và có kháng thể truyền cho bé.
Về tăng cường giám sát phát hiện sớm, PGS-TS Lân yêu cầu nếu phát hiện ca bệnh có biểu hiện nghi ngờ thì phải xử lý triệt để các ổ dịch tránh lây lan ra cộng đồng. Truyền thông phòng chống bệnh phải đến được với người dân, mọi đối tượng.
Nguy cơ dịch chồng dịch
Bệnh nhi điều trị sởi tại Bệnh viện Nhi đồng 1 Ảnh: Duy Tính
Theo GS Đặng Đức Anh, Giám đốc dự án TCMR quốc gia, để khống chế bệnh sởi không cho bùng phát thành dịch lớn, Bộ Y tế đã có quyết định tiêm bổ sung vắc xin sởi - rubella cho trẻ từ 1 - 5 tuổi tại vùng nguy cơ cao cho 6 tỉnh khu vực miền Bắc; Ban Quản lý dự án TCMR quốc gia đang xây dựng kế hoạch tiêm bổ sung vắc xin sởi - rubella cho trẻ từ 1 - 4 tuổi tại 25 tỉnh miền Bắc.
Theo Bộ Y tế, từ đầu năm đến cuối tháng 8.2018, cả nước có hơn 30.000 ca bệnh tay chân miệng, 63 tỉnh thành đều có ca mắc, trong đó có hơn 16.900 ca nhập viện; sốt xuất huyết có 42.600 ca mắc, 9 ca tử vong.
Tại TP.HCM, theo TTYTDP TP, từ đầu năm đến nay toàn TP có 12.282 ca bệnh sốt xuất huyết, 3.195 ca tay chân miệng (TCM), tuần qua bệnh TCM tăng 45% so với tuần trước đó.
SXH và TCM là hai bệnh đang vào mùa cao điểm. Cả 2 bệnh này đều chưa có vắc xin phòng bệnh, chủ yếu phòng ngừa bằng cách đảm bảo vệ sinh.
BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - thần kinh BV Nhi đồng 1 (TP.HCM), cho biết ngày 26.9 khoa điều trị cho 179 ca TCM. Đã có 10 ca bệnh TCM nặng phải thở máy, 5 ca lọc máu và 1 ca tử vong sau 7 giờ nhập viện do quá nặng (ở khu vực Đông Nam bộ chuyển đến). Khu vực Đông Nam bộ hiện số trẻ mắc TCM rất nhiều, trong đó nguyên do chủng Entero vi rút 71 (EV 71) chiếm đến 70%, đây là chủng gây dịch lớn năm 2011.
"Nguy cơ dịch chồng dịch tại Đông Nam bộ có thể xảy ra với sởi, TCM, SXH", BS Khanh cảnh báo.
Miền Bắc cũng tăng bệnh sởi
Không chỉ ở phía nam, ngày 26.9, đại diện Chương tình tiêm chủng mở rộng (TCMR) quốc gia, Bộ Y tế cho biết từ đầu năm 2018 đến nay khu vực miền Bắc ghi nhận 2.302 ca sốt phát ban nghi sởi và 1.101 ca dương tính với sởi. Đáng lưu ý, đã có 1 ca mắc sởi tử vong tại Hưng Yên. Cả số nghi mắc và số được xác định mắc sởi đều tăng cao so với cùng kỳ 2017 (cùng kỳ 2017 ghi nhận 749 ca sốt phát ban; 26 ca dương tính với vi rút sởi). Hiện có 6 tỉnh ghi nhận số mắc sởi tăng cao là: Hà Nội, Lào Cai, Điện Biên, Thanh Hóa, Sơn La và Quảng Ninh.
Trong đó, Hà Nội nhiều nhất - với 613 ca nghi mắc và 383 ca mắc sởi; Lào Cai có 493 ca nghi mắc và 168 ca mắc sởi; Điện Biên có 288 ca nghi mắc và 41 ca mắc sởi; Thanh Hóa có 227 ca nghi mắc và 154 ca mắc sởi; Sơn La có 151 ca nghi mắc và 91 ca mắc sởi; Quảng Ninh có 89 ca nghi mắc và 46 ca mắc sởi.
Tại Hà Nội, theo đánh giá của TTYTDP, các trẻ mắc sởi chủ yếu dưới 5 tuổi; khoảng 90% các trường hợp mắc chưa tiêm vắc xin. Nguyên do trẻ dưới 9 tháng tuổi chưa đến lịch tiêm chủng; trẻ mắc bệnh lý bẩm sinh; trẻ thường xuyên ốm hoặc chưa được tiêm đầy đủ.
Trước thực tế trên, BS Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng TCMR miền Bắc, lưu ý các trường hợp bố mẹ là người tỉnh ngoài khi sống tại Hà Nội cần đến trạm y tế nơi gia đình chuyển đến để đăng ký tiêm ngừa lại, nhằm giúp y tế cơ sở chuẩn bị kế hoạch vắc xin cho bé, để các trẻ được tiêm đầy đủ.
“Để phòng sởi có hiệu quả, trẻ cần được tiêm vắc xin sởi đơn hoặc sởi kết hợp với rubella (vắc xin sởi - rubella), hoặc vắc xin sởi - quai bị - rubella tại thời điểm trẻ 9 tháng tuổi, nhắc lại khi trẻ 18 tháng tuổi và có thể tiêm thêm mũi bổ sung trước khi trẻ vào tiểu học. Khi được tiêm chủng đầy đủ, khả năng phòng bệnh sởi có thể lên tới 95%”, TS-BS Lê Kiến Ngãi, phụ trách đơn vị tư vấn tiêm chủng, Bệnh viện Nhi T.Ư, Hà Nội, nói.
Liên Châu - Duy Tính

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.