Họp 20 tỉnh thành phía nam triển khai dập dịch tay chân miệng, sởi

Duy Tính
Duy Tính
10/10/2018 19:28 GMT+7

Xu thế dịch bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết, sởi năm nay đã được Bộ Y tế dự báo từ trước.

Trước tình hình dịch bệnh đang “nóng” lên tại khu vực phía nam, chiều 10.10, tại Viện Pasteur TP.HCM, Bộ Y tế tổ chức hội nghị tăng cường công tác phòng, chống bệnh và điều trị bệnh (TCM) tay chân miệng và sởi khu vực phía nam.
Trẻ em, người lớn cấn rửa tay thường xuyên nhằm phòng chống bệnh tay chân miệng - ẢNH: DUY TÍNH

PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, cho biết Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tiến tới năm 2015 thanh toán được bệnh sởi trên thế giới, một số nước tuyên bố đã hết bệnh sởi nhưng nay bệnh sởi đã quay lại. Điều này cho thấy dịch bệnh sởi hiện nay rất phức tạp. Hiện trên thế giới tỉ lệ tiêm chủng sởi đạt 85%, riêng Việt Nam đạt 95%.
Tại miền nam, dịch sởi có nguy cơ bùng phát ở khu vực Đông Nam bộ - nơi do tập trung nhiều khu công nghiệp, tỉ lệ biến động dân cư cao, tỉ lệ đối tượng được quản lý thấp, tỉ lệ tiêm chủng thấp. Hiện thống kê cho thấy tỷ lệ trẻ dưới 6 tháng tuổi và trên 5 tuổi mắc sởi ngày càng tăng. Điều này cho thấy việc tiêm sởi mũi 1 và mũi 2 là chưa đạt như mong muốn.
“Trên thế giới tình hình mắc sởi gia tăng ở nhiếu quốc gia và nhu cầu giao lưu đi lại rất cao, đặc biệt là miền Đông Nam bộ có nguy cơ dịch xâm nhập rất cao”, PGS-TS Lân nói.
Về dịch bệnh TCM, từ đầu năm đến nay, 20 tỉnh phía nam đã có gần 48.000 ca bệnh TCM, 6 ca tử vong. Tỉ lệ ca bệnh khu vực Đông Nam bộ chiếm 80% (trước đây chỉ chiếm là 44%), bệnh tập trung nhiều tại nhà trẻ.
PGS-TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, cho biết xu thế dịch năm nay đã được dự đoán trước là vào tháng 9, 10, 11, dịch TCM sẽ tăng khi vào mùa tựu trường; sởi sẽ gia tăng vào mùa xuân và có thể bùng phát; sốt xuyết huyết thì tăng theo chu kỳ.
Theo ông Phu, để giải quyết dịch bệnh không chỉ có ngành y tế mà còn là nhân dân, giáo dục, truyền thông, đặc biệt chính quyền vào cuộc. Chỉ có chính quyền mới giải quyết vấn đề vệ sinh, kinh phí, giám sát chống dịch.
PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục quản lý khám, chữa bệnh, cũng cho biết trước tình hình bệnh TCM gia tăng, nhiều ca nặng, dư luận đặt vấn đề phải chăng có sự biến thể chủng gây bệnh. Ông khẳng định, hiện chưa phát hiện có biến chủng các loại vi rút gây bệnh TCM. Ông chỉ đạo các BV tuân thủ việc phát hiện sớm, thu dung, phân loại và đúng phác đồ điều trị như cũ, tránh để quá tải BV; triển khai các biện pháp thu dung, cách ly nhằm tránh lây lan.

Thực hiện “3 sạch” để phòng bệnh tay chân miệng và tiêm ngừa để phòng sởi

Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM cho biết tuần qua toàn TP có 397 ca bệnh tay chân miệng (TCM) nhập viện, nâng tổng số ca bệnh TCM từ đầu năm đến nay trên địa bàn TP là 4.066 ca, chuẩn bị bằng và vượt so với cùng kỳ năm 2017 (4.261 ca). Số ca mắc sởi cũng tăng lên đến 143 ca, tăng 100% so với cùng kỳ năm 2017.

Tại Đồng Nai, từ đầu năm đến nay toàn tỉnh đã có 2.881 ca bệnh TCM nhập viện, 1 ca tử vong; ngoài ra có 5.484 ca TCM ngoại trú. Bệnh TCM tăng nhanh từ tháng 9 đến nay. Toàn tỉnh cũng đã có 190 ca sởi. Qua giám sát và điều tra cộng đồng cho thấy số ca sởi mắc tập trung ở nhóm trẻ sống trong các khu nhà trọ công nhân, trẻ chưa tiêm chủng hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng

Theo PGS-TS Phan Trọng Lân, với bệnh TCM, mọi người cần phòng ngừa bằng việc thực hiện “3 sạch”: Ăn uống sạch; ở sạch; bàn tay và đồ chơi sạch. Với bệnh sởi thì cần tiêm ngừa đầy đủ, đúng lịch.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.