Ho liên tục không rõ nguyên nhân, coi chừng mắc dị vật

22/06/2017 21:00 GMT+7

Bệnh nhân cứ uống thuốc vào thì đỡ một thời gian nhưng hết thuốc lại bị ho, đau họng liên tục. Cuối cùng, các bác sĩ đã gắp được dị vật là xương cá mắc trong cổ bệnh nhân, là nguyên nhân của những cơn ho.

Chiều nay (22.6), bác sĩ chuyên khoa 1 Dương Thanh Hùng, Trưởng khoa Tai - Đầu Mặt Cổ, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM, cho biết bệnh nhân P.H.T. (52 tuổi, ngụ Bình Dương) nhập viện trong tình trạng khó thở, ho sặc nhiều kèm đau ngực, không sốt.

tin liên quan

Nên hay không nên cắt amidan cho trẻ?
Tại Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM trong số trẻ đến khám viêm đường hô hấp trên, có đến 30% trẻ được chẩn đoán viêm VA hoặc amidan.
Qua hình ảnh chụp CT, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân có dị vật trong phế quản thùy dưới phổi, ứ khí trong thùy dưới phổi.
Theo lời ông T., cách đây hơn 10 ngày ông có ăn canh cá lóc trong bữa cơm. Trong lúc ăn, ông bị hóc xương ở cổ. Sau nhiều lần cố gắng xương ra bằng các phương pháp dân gian không thành công, ông đến khám tại Bệnh viện tỉnh Bình Dương và một số phòng khám.
“Mặc dù tui có khai bị mắc xương cá nhưng qua khám nhiều nơi, các bác sĩ đều không tìm ra mà chỉ kê toa thuốc cho tui uống. Cứ uống thuốc vào thì đỡ một thời gian nhưng hết thuốc tui lại bị ho, đau họng liên tục. Do mấy ngày nay bị tức ngực quá, lại khó thở nên tui lên Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM khám”, ông T. cho biết.
Các bác sĩ đã phẫu thuật nội soi gắp dị vật cho bệnh nhân và lấy ra được một xương cá có hình cây dù, kích thước 0,5 x 0,2 cm.
Sau khi được lấy dị vật vài ngày, bệnh nhân đã hoàn toàn khỏe mạnh, không còn ho, hay tức ngực như trước.

Khi thấy trẻ hoặc người lớn ho liên tục không rõ nguyên nhân, gia đình nên lưu ý đến trường hợp dị vật đường thở bị bỏ quên và đi khám sớm

Bác sĩ chuyên khoa 1 Dương Thanh Hùng, Trưởng khoa Tai – Đầu Mặt Cổ, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM

Theo các bác sĩ, trường hợp dị vật “bỏ quên” trong đường thở hiện nay rất thường gặp. Có trường hợp bệnh nhân “bỏ quên” dị vật trong đường thở đến 3-5 tháng, thậm chí có ca 3-5 năm.
“Một số dị vật bị bỏ quên ít gây ảnh hưởng tức thời nên bệnh nhân không để ý. Nhiều trường hợp hóc dị vật khi sử dụng kháng sinh có thể giảm đau nhưng vẫn còn và gây ho liên tục không rõ nguyên nhân. Nếu dị vật nằm lâu trong đường thở thì có thể dẫn tới viêm phổi nặng, gây biến chứng vào các vùng lân cận. Trường hợp dị vật là kim loại thì có thể gây áp-xe nhiễm trùng, dễ dẫn đến nguy cơ tử vong”, bác sĩ Hùng cho biết.
Đặc biệt, đối với trẻ em là lứa tuổi không thể nhận biết được mình đã nuốt phải thứ gì nên nhiều trường hợp ba mẹ phát hiện con bị mắc dị vật. "Do đó, khi thấy trẻ hoặc người lớn ho liên tục không rõ nguyên nhân, gia đình nên lưu ý đến trường hợp dị vật đường thở bị bỏ quên và đi khám sớm", bác sĩ Hùng khuyến cáo.
Bên cạnh đó, bác sĩ cũng lưu ý, khi mắc dị vật mọi người không nên có phản xạ dùng tay móc, nuốt cơm, chuối.. nhằm nuốt dị vật xuống vì các tác động đó không có tác dụng mà còn phản tác dụng đưa dị vật xuống sâu hơn gây nhiễm trùng, viêm nhiễm họng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.