Hiện tượng trẻ sơ sinh có bào thai

24/02/2008 14:51 GMT+7

Em bé mới sinh ra đã có bào thai hoàn chỉnh trong người được giới y khoa gọi là trường hợp "thai trong thai"...

Một số trường hợp "thai trong thai"

Sáng 21.2, ê-kíp phẫu thuật của Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) do bác sĩ Đào Trung Hiếu làm phẫu thuật viên chính đã tiến hành phẫu thuật bóc tách thành công một trường hợp "thai trong thai". Bé gái chỉ mới 19 ngày tuổi (sinh ngày 2.2 vừa qua), nhà ở Cần Thơ, có một bào thai trong bụng. Theo người nhà của bé, sau khi sinh, người nhà tắm cho bé thấy bụng bé ngày càng to ra và sờ thấy có khối u trong bụng, nghi ngờ có điều bất thường nên đưa bé vào Bệnh viện Nhi Cần Thơ. Tại đây, qua siêu âm bác sĩ thấy một khối bướu trong bụng bé, nhưng không rõ lắm, nên đã chuyển bé đến Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM). Qua siêu âm lần đầu tại Bệnh viện Nhi đồng 1, bác sĩ xác định đây là một bào thai nhưng cũng chỉ thấy được có hai chi, nên đã cho chụp lại bằng CT và phát hiện thêm một số bộ phận nữa của một bào thai phát triển hoàn chỉnh trong bụng em bé. Tuy nhiên, không thể xác định được trai hay gái. Các bác sĩ tiến hành mổ để bóc tách bào thai trong 1 giờ rưỡi. Khi mổ ra thì thấy bào thai nằm trong một cái bọc có chứa nước ối. Bào thai có cân nặng 800 gr (em bé thì nặng 3,2 kg).

Cách nay 3 năm (tháng 9.2005), các bác sĩ khoa Ngoại (Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM) cũng đã phẫu thuật lấy ra một bào thai (nặng 400 gr, cũng có đầy đủ các bộ phận: mắt, mũi, tay, chân, cột sống, xương chậu...) trong bụng một bé trai chỉ mới 5 tháng tuổi (ngụ ở tỉnh Cà Mau). 

Có trường hợp em bé có thai được phát hiện còn nhỏ hơn nữa. Như trường hợp cách nay 2 năm (tháng 2.2006), ê-kíp mổ của Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) do bác sĩ Trần Đông A làm phẫu thuật viên chính đã phẫu thuật lấy thành công bào thai nặng 200 gr. Bào thai cũng phát triển rất hoàn chỉnh là một bé trai có tay, chân, ngón tay, ngón chân, bộ phận sinh dục, ruột, cột sống, nhưng não thì không hoàn chỉnh nằm trong cơ thể của một em bé chỉ mới 7 ngày tuổi. Ca phẫu thuật "thai trong thai" nhỏ nhất tại TP.HCM tính đến nay là trên một em bé chỉ 3 ngày tuổi cũng được thực hiện tại Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM)...

Vì sao có hiện tượng "thai trong thai"?


Bào thai nằm trong bọc được bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1 lấy ra hôm 21.2 - ảnh: Chi Mai
Trao đổi với PV Thanh Niên ngay sau khi phẫu thuật lấy bào thai trong bụng em bé hôm 21.2 nói trên, bác sĩ Đào Trung Hiếu - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết: "Thai trong thai thực chất là trường hợp anh (chị) em song sinh cùng trứng (em bé và bào thai trong bụng chính là con của một người mẹ), nhưng vì một nguyên nhân nào đó không rõ trong quá trình phát triển phôi thai, phôi này đã trùm lên phôi kia, khiến phôi em nằm trong phôi chị (anh). Vì thế, khi sanh ra, em bé đó đã có sẵn một bào thai khác nằm trong bụng là như vậy. Các bác sĩ gọi là "đứa em sống ký sinh vào đứa chị", hay hiện tượng song sinh phát triển không hoàn chỉnh".

Thường, bào thai này không có tim thai, nhưng nó vẫn sống được một thời gian (có khi rất lâu) là nhờ vào lượng máu của chị (anh) cung cấp. Mà nhiều khi người nhà của trẻ không biết, cứ nghĩ tại bụng bé bự. Chẳng hạn trường hợp trước đây, Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) tiếp nhận một ca "thai trong thai" ở bé gái đến 14 tuổi (ngụ ở tỉnh Đồng Nai). Ngoài ra, còn có trường hợp nhiều bào thai nằm trong cơ thể của một em bé.

Để đủ điều kiện gọi là "thai trong thai" thì bào thai nằm trong bụng em bé ngoài việc có những bộ phận tay, chân, bộ phận sinh dục... còn phải có cột sống. Một số trường hợp cũng giống thai trong thai, nhưng không có cột sống, thì không gọi là "thai trong thai", như trường hợp bướu quái dạng thai (loại này thường gặp hơn, còn "thai trong thai" thì rất hiếm gặp). Theo bác sĩ Đào Trung Hiếu, cả hai trường hợp ("thai trong thai" và bướu quái dạng thai) đều cần phải mổ lấy ra sớm.

Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.