Hiếm muộn dễ bị u xơ tử cung

04/12/2009 09:53 GMT+7

U xơ làm biến dạng lòng tử cung, ảnh hưởng đến sự làm tổ của phôi, thường là nguyên nhân gây vô sinh, sẩy thai, chết lưu, nhau bong non, vỡ nước ối.

U xơ tử cung là loại thường gặp nhất ở tử cung, ước lượng chiếm khoảng 20% - 27% phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.

Triệu chứng không rõ ràng

Tại hội nghị về nội tiết sinh sản và vô sinh, giáo sư – bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Phượng cho biết hầu hết u xơ tử cung thường không có triệu chứng, khoảng 75% trường hợp cắt tử cung trong u xơ tử cung là do cường kinh và rong kinh không điều trị được bằng nội khoa. Triệu chứng đau thường xảy ra ở bệnh nhân có u xơ và u lạc tuyến vào tử cung.

Ngoài ra, triệu chứng thường gặp ở u xơ tử cung đưa đến chỉ định phẫu thuật là chèn ép bàng quang hay trực tràng hoặc chèn ép niệu quản. Ở phụ nữ mãn kinh có u xơ tử cung to thêm và triệu chứng đau phải nghĩ đến u sợi cơ ác tính. Trường hợp thường gặp khác là u xơ và hiếm muộn, u xơ tử cung là nguyên nhân vô sinh từ 2% - 3% của các vợ chồng vô sinh. U xơ làm biến dạng lòng tử cung, ảnh hưởng đến sự làm tổ của phôi, thường là nguyên nhân gây vô sinh, sẩy thai, chết lưu, nhau bong non, vỡ nước ối hoặc u xơ chèn ép lên lỗ vòi trứng cũng gây khó khăn trong thụ thai.

Việc khám âm đạo chỉ phát hiện được u xơ kích thước to. Siêu âm là phương tiện dễ nhất để phát hiện u xơ kích thước nhỏ, nằm sâu trong cơ tử cung, triệu chứng chèn ép lên niệu quản và làm chẩn đoán phân biệt với u buồng trứng. Tuy nhiên, không chỉ dựa vào siêu âm để chỉ định phẫu thuật. Ở phụ nữ có u xơ và xuất huyết âm đạo bất thường, cần sinh thiết niêm mạc tử cung để loại trừ ung thư niêm mạc tử cung kèm theo. Khi u xơ không triệu chứng, kích thước nhỏ hơn tử cung có thai 12 tuần nên không cần dùng thuốc, chỉ theo dõi có thể 6 tháng một lần và siêu âm.

Sinh con đúng tháng giảm tỉ lệ mắc u xơ

U xơ có thể gây cường kinh, rong kinh, sẩy thai... ảnh hưởng đến sự làm tổ của phôi. Các yếu tố nguy cơ gây u xơ tử cung thường có liên quan đến hormone sinh dục. Theo bác sĩ Ngọc Phượng, chưa ai phát hiện được u xơ tử cung trước tuổi dậy thì và sau mãn kinh cũng rất hiếm khi u xơ mới xuất hiện. Trường hợp dậy thì sớm nguy cơ có u xơ nhiều hơn, còn những người sinh con đủ tháng làm giảm 20% - 40% tỉ lệ có u xơ tử cung, số lần sinh càng tăng thì u xơ càng giảm.

Còn trường hợp sau mổ bóc khối u nếu có thai và sinh con thì tỉ lệ tái phát thấp hơn. Sinh con trước 35 tuổi cũng là một yếu tố bảo vệ làm giảm tỉ lệ u xơ xuống 40% - 50%. Tất cả các yếu tố liên quan đến sinh con đủ tháng làm giảm tỉ lệ u xơ, có thể do tử cung đổi mới làm sự phát triển u xơ bị ức chế. Ngoài ra, u xơ tử cung không tăng với thuốc nội tiết tránh thai nhưng vòng tránh thai làm tăng tỉ lệ u xơ lên hơn gấp 5 lần, có lẽ do viêm trong lòng tử cung. Béo phì cũng làm gia tăng tỉ lệ u xơ tử cung, vì vậy hoạt động thể lực sẽ làm giảm tỉ lệ u xơ tử cung xuống 40%. Còn cao huyết áp và xơ cứng động mạch làm tăng tỉ lệ u xơ tử cung.

Điều trị u xơ tử cung thường là theo dõi, điều trị nội khoa bảo tồn tử cung, tắc nghẽn động mạch hay bóc nhân xơ hoặc cắt tử cung. Trường hợp u xơ tử cung gây hiếm muộn, bác sĩ không có chỉ định mổ bóc nhân xơ trước khi làm thụ tinh trong ống nghiệm nếu không làm biến dạng lòng tử cung. Còn đối với phụ nữ lớn tuổi có u xơ to hoặc có biến chứng mà không cần sinh thêm con thì cắt tử cung là biện pháp điều trị triệt để, tốt nhất. Bóc nhân xơ chỉ là để bảo tồn cho việc sinh con sau này.

U xơ khi mang thai cần được theo dõi

Khoảng 5% phụ nữ có thai được phát hiện có u xơ tử cung khi siêu âm tiền sản và hầu như 80% u xơ giữ nguyên hoặc chỉ tăng thể tích trong khi mang thai. Khoảng 20% u xơ to thêm lên nhiều, gây đau, nhất là u xơ có đường kính trên 20 cm.

U xơ có thể gây ra ngôi thai bất thường, tỉ lệ mổ lấy thai và băng huyết sau khi sinh nhiều hơn. Bác sĩ không mổ bóc nhân xơ tử cung trên phụ nữ đang mang thai vì có thể gây chảy máu nhiều, trừ u xơ có cuống hoặc bị xoắn. Phụ nữ mang thai có u xơ tử cung cần được theo dõi thật kỹ, nhất là trường hợp nhau thai bám ngay trên chỗ có u xơ.

Bài và ảnh: Nhất Phương / Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.