Bệnh tâm thần ở người trẻ tuổi có thể có những biểu hiện như sau:
Dần dần cách ly với xã hội, bạn bè: người trẻ tuổi tăng việc sử dụng thời gian ở trong phòng. Bệnh tiến triển làm họ sợ cả thức ăn và nước uống, vì cho rằng mình bị đầu độc bởi những kẻ khủng bố.
Suy giảm hiệu suất làm việc: Cảm thấy khó khăn trong việc tập trung chú ý; biểu hiện rõ ở những người lao động trí óc, họ thấy khó khăn trong học tập.
Bận tâm quá mức tới sự xuất hiện các triệu chứng cơ thể: Những người vị thành niên thường rất bận tâm tới những gì họ cảm thấy. Họ lo lắng về sự tăng cân, có trứng cá ở mặt, sự lôi cuốn ở người khác giới. Có thể đứng hàng giờ trước gương, kiểm tra mụn nhọt, tự hỏi về hình dáng mũi hoặc đường ngôi của họ.
ThS Trần Quyết Thắng (bìa phải), Phó giám đốc Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, trả lời câu hỏi giao lưu trực tuyến của bạn đọc Ảnh Ngọc Thắng
|
Trầm cảm: Biểu hiện có thể là sự mất quan tâm thích thú với mọi thứ, cảm thấy cuộc sống vô vị, ăn kém ngon miệng và rối loạn giấc ngủ.
Thay đổi trong hoạt động: Bệnh có thể bắt đầu bằng sự suy sụp trong hoạt động, người bệnh trở nên thờ ơ, luôn thấy mệt mỏi và hầu như suốt ngày nằm trên giường. Ngược lại, có người trở nên ít ở nhà, hay đi lang thang đâu đó, trở về với dáng vẻ lôi thôi, lếch thếch và kiệt sức.
Những ý nghĩ và hành vi kỳ lạ: Xuất hiện hoang tưởng, thường được giữ kín nhưng có thể bộc lộ trong hình thức buộc tội kỳ quái chung quanh người bệnh.
Hoang tưởng có thể chi phối hành vi người bệnh, như từ chối ăn một số thứ mà họ cho là có chất độc. Họ nghĩ căn phòng sắp bị nổ tung hoặc có bẫy, ô tô chạy trên đường là của bọn khủng bố.
Rối loạn tư duy: Thay đổi quan hệ với người thân, tự nhiên mất hết tình cảm với con cái hoặc vợ chồng. Người bệnh có thể nhận thức được điều này, họ thường phàn nàn không có tình cảm như trước đây.
Ảo giác: Thường gặp nhất là những ảo giác lời nói. Họ thật sự nghe được tiếng nói không có thật, và thường là chống lại chúng. Có lúc, lời nói làm người bệnh nghi ngờ và tăng dần sự xa lánh.
Cảm giác về những bệnh lý cơ thể: Người bệnh cảm thấy sự thay đổi tinh thần liên quan tới một bệnh trầm trọng nào đó. Họ thường tìm đến bác sĩ với những lời than phiền mơ hồ. Họ thường ăn không ngon miệng, dẫn đến sút cân.
Để phòng tránh rối loạn tâm thần, người trẻ phải có chế độ sinh hoạt và nghỉ ngơi hợp lý. Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động thể dục thể thao, hạn chế sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, thuốc lá…, tuyệt đối không sử dụng các chất ma túy. Khi có các bất thường về mặt tâm lý, cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa để tư vấn và thăm khám.
Với trường hợp của em trai bạn, đã có những dấu hiệu bất thường về mặt tâm lý tâm thần. Trong đó, hành vi dọa tự sát là một trong những triệu chứng quan trọng cần can thiệp và giải quyết.
Trường hợp em bạn cần đến ngay các bệnh viện chuyên khoa tâm thần để được các bác sĩ thăm khám và đánh giá chính xác tình trạng bệnh và đưa ra các biện pháp điều trị và tư vấn tâm lý.