Giải pháp tổng thể của Roche trong phòng chống Covid-19

19/08/2020 17:00 GMT+7

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp với nhiều ca bệnh lây nhiễm trong cộng đồng được ghi nhận, ngành Y tế Việt Nam đang hỗ trợ đẩy nhanh năng lực xét nghiệm.

Tính đến ngày 10.8, đã có 70 phòng xét nghiệm tại Việt Nam được phép thực hiện xét nghiệm khẳng định Covid-19 với năng lực xét nghiệm khoảng 31.000 mẫu bệnh phẩm/ngày. Xét nghiệm đóng một vai trò thiết yếu vì ảnh hưởng tới 60% quyết định lâm sàng trong khi chỉ chiếm 2% tổng chi tiêu cho chăm sóc sức khỏe. Có thể nói đây là “Thời điểm Xét nghiệm” (Testing Time) theo nghĩa đen khi mà người người khai báo y tế và đăng ký làm xét nghiệm, nhà nhà quan tâm kết quả xét nghiệm để yên tâm đi làm, đi học. Các bệnh viện, trung tâm y tế quận, huyện, phường, xã, kể cả khối y tế tư nhân đều tích cực tìm kiếm giải pháp xét nghiệm đáng tin cậy để thực hiện cho nhân viên nhằm bảo toàn năng lực chăm sóc y tế, hoàn thành nhiệm vụ khám chữa bệnh cho người dân. Nhiều tổ chức, cơ quan cũng xem xét việc đánh giá tình trạng miễn dịch của nhân viên cho kế hoạch phục hồi kinh doanh, phát triển kinh tế…
Bác sĩ Qadeer Raza, Tổng giám đốc Roche Diagnostics Việt Nam cho biết: “Mỗi xét nghiệm đáng tin cậy trên thị thường đều phục vụ mục đích chăm sóc sức khỏe cụ thể nhằm giúp chúng ta vượt qua cơn đại dịch này. Roche đang hợp tác chặt chẽ với các cơ quan y tế để cung cấp kịp thời các xét nghiệm chất lượng cao đến người dân Việt Nam”. Tại Việt Nam, Roche Diagnostics Việt Nam cung cấp hai loại xét nghiệm: xét nghiệm chẩn đoán sinh học phân tử RT-PCR và xét nghiệm huyết thanh học tìm kháng thể kháng SARS-CoV-2. Hai phương pháp xét nghiệm này được đánh giá là có lợi ích bổ sung trong quản lý Covid-19. Xét nghiệm RT-PCR khẳng định bệnh nhân có bị nhiễm SARS-CoV-2 hay không. Xét nghiệm huyết thanh học tìm kháng thể kháng SARS-CoV-2 giúp xác định người đó đã từng nhiễm hay chưa. Từ đó xác định tỷ lệ nhiễm và tình trạng miễn dịch trong cộng đồng.

Xét nghiệm Realtime PCR (RT-PCR): giúp chẩn đoán mắc và theo dõi điều trị Covid-19

Vào năm 1983, tiến sĩ Kary Mullis, một nhà khoa học tại Tập đoàn Cetus, phát minh phản ứng chuỗi (PCR) như là một phương pháp sao chép ADN và tổng hợp một lượng lớn ADN mục tiêu cụ thể. Với việc phát minh ra phương pháp PCR, năm 1993, ông và Michael Smith được trao giải Nobel hóa học vì những đóng góp cho sự phát triển của các phương pháp trong hóa học dựa trên ADN.
Năm 1991, Roche mua bản quyền sử dụng PCR từ Cetus và đầu tư vào việc cải tiến khoa học để sử dụng trong chẩn đoán sinh học phân tử nhằm phát hiện bệnh. Ngành chẩn đoán sinh học phân tử của Roche không chỉ định hình và cải tiến công nghệ PCR mà còn là đơn vị dẫn đầu về công nghệ này. *
Công nghệ PCR được ứng dụng và phát triển xét nghiệm phát hiện vật chất di truyền ARN của SARS-CoV-2 trong dịch tiết đường hô hấp giúp khẳng định trường hợp nhiễm vi rút này. Chẩn đoán người đang nhiễm SARS-CoV-2 để có kế hoạch điều trị cũng như cách ly chống lây nhiễm cho những người xung quanh.

Xét nghiệm huyết thanh học tìm kháng thể kháng SARS-CoV-2 ở những bệnh nhân từng phơi nhiễm với Covid-19

Xét nghiệm kháng thể được xem là bước quan trọng tiếp theo trong cuộc chiến chống lại Covid-19. Xét nghiệm huyết thanh học tìm kháng thể kháng SARS-CoV-2 là xét nghiệm in-vitro, sử dụng huyết thanh và huyết tương lấy từ mẫu máu người, để phát hiện kháng thể và xác định đáp ứng miễn dịch của cơ thể với SARS-CoV-2. Xét nghiệm này có thể được sử dụng trong nghiên cứu dịch tễ học nhằm giúp hiểu rõ hơn về sự lây lan của bệnh và cũng có thể được sử dụng cùng với các xét nghiệm sinh học phân tử trong hỗ trợ chẩn đoán bệnh nhân nghi ngờ mắc Covid-19.
Thông qua một mẫu máu, xét nghiệm có thể phát hiện các kháng thể với vi-rút SARS-CoV-2, cho biết người này đã nhiễm với vi rút SARS-CoV-2 và cơ thể đã tạo ra kháng thể chống lại vi rút. Hệ thống máy xét nghiệm miễn dịch của Roche có thể thực hiện xét nghiệm huyết thanh học tìm kháng thể kháng SARS-CoV-2 trong khoảng 18 phút, với số lượng trả kết quả lên tới hàng trăm xét nghiệm/giờ, tùy thuộc vào loại máy phân tích.
Xét nghiệm huyết thanh học tìm kháng thể kháng SARS-CoV-2 giúp xác định tỷ lệ nhiễm và tình trạng miễn dịch trong cộng đồng. Độ đặc hiệu cao là bắt buộc phải có cho xét nghiệm huyết thanh học tìm kháng thể kháng SARS-CoV-2 để không nhầm lẫn cho rằng bệnh nhân đã có miễn dịch nhưng thật sự người này vẫn có thể bị lây nhiễm bệnh Covid-19. Xét nghiệm huyết thanh học của Roche có độ nhạy 100% và độ đặc hiệu là 99,81%.
 
Bác Sĩ Qadeer Raza, Tổng giám đốc Roche Diagnostics Việt Nam cho biết: “Nhằm tích cực chung tay cùng Chính phủ Việt Nam trong việc phòng chống dịch, Roche Diagnostics Việt Nam đã tài trợ Bộ Y tế hơn 5.000 test xét nghiệm huyết thanh học tìm kháng thể kháng SARS-CoV-2 và xét nghiệm RT-PCR. Bên cạnh đó, đội ngũ nhân viên của chúng tôi đang làm việc 24/7 để hỗ trợ các bệnh viện tuyến đầu trong công tác phòng chống dịch qua việc đảm bảo hệ thống máy xét nghiệm được lắp đặt và vận hành ổn định trong thời điểm quan trọng này”. 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.