Gắn thiết bị theo dõi xe cấp cứu vệ tinh 115

Duy Tính
Duy Tính
09/07/2019 10:31 GMT+7

BS Nguyễn Duy Long, Giám đốc Trung tâm cấp cứu (CC) 115, cho biết hiện nay TP.HCM có 30 trạm CC vệ tinh 115 và một Trung tâm CC 115. Các trạm CC vệ tinh hiện phủ đều khắp 24 quận/huyện.

BS Long cũng xác nhận gần đây các trạm CC vệ tinh 115 từ chối CC gia tăng. Nhiều nhất là trạm CC vệ tinh 115 tại BV Q.Tân Phú, BV Q.7, BV Bình Thạnh, BV đa khoa khu vực Hóc Môn, BV Q.Bình Tân… Theo BS Long, hiện Trung tâm CC 115 chưa có công cụ đánh giá để có thể biết được việc các trạm CC vệ tinh 115 không xuất xe là khách quan hay chủ quan. Nếu xe CC vệ tinh bận do đang chuyển BN hay chờ chuyển BN nặng là khách quan. Còn nếu trạm CC vệ tinh có xe nhưng... “lười” đi là chủ quan.
Theo PGS-TS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP, sự việc như trên Sở Y tế cũng biết, xảy ra khá lâu. Hiện, các BV tham gia hệ thống CC vệ tinh 115 rất thiếu xe CC, mỗi nơi chỉ có 2 chiếc nên cần bổ sung thêm 1 xe nữa. TP đang huy động nguồn lực sẵn có của các BV. Nếu BV từ chối CC do xe bận thì cũng phải chịu. Nhưng nếu xe CC rảnh mà không đi thì Sở sẽ có biện pháp xử lý.
Ông Thượng cho biết, tiến đến hoạt động chuyên nghiệp là nhân lực của Trung tâm CC 115 sẽ cắm tại các trạm vệ tinh. Từ đây đến cuối năm, khi TP có hệ thống điều hành CC thông minh thì các xe CC sẽ được gắn thiết bị theo dõi, xe di chuyển hay đứng thì Trung tâm CC 115 sẽ biết và điều hành được. “Trước thực tế như trên, Sở Y tế sẽ họp các trạm CC vệ tinh 115 để lắng nghe các khó khăn nhằm có hướng giải quyết”, PGS-TS Thượng nói.

Giờ vàng trong cấp cứu

Về CC bệnh nhân (BN) tai nạn ngoài đường do chấn thương sọ não, PGS-TS Huỳnh Lê Phương, Trưởng khoa Ngoại thần kinh, BV Chợ Rẫy, cho biết với một ca chấn thương sọ não chia ra 3 mức độ (tối cấp, cấp và bán cấp), tùy theo thương tổn, lực té ngã. Nếu thương tổn tối cấp (đập đầu nặng, lắc đầu đột ngột) thì BN có thể chết tại chỗ trong 5 - 10 phút, hoặc 1 - 3 giờ sau dù được đưa đến BV. Nếu thương tổn cấp thì sẽ cần giờ vàng - CC kịp thời sau 3 giờ, 6 giờ.
BS Võ Hòa Khánh, BV Chấn thương chỉnh hình TP.HCM, cho biết với người tai nạn nghi ngờ gãy đốt sống cổ, cách sơ cứu tại hiện trường là bất động BN, đeo nẹp cổ (nếu không có thì chèn bao cát 2 bên cổ, nếu làm không đúng có thể gây liệt), di chuyển BN như khối bất động và cột cố định đưa đến BV. Với chấn thương cột sống nói chung thì không tính thời gian vàng cứu BN mà chấn thương nặng, hay nhẹ là do cách sơ cứu ban đầu đúng hay sai dẫn đến nguy cơ chèn ép tủy, tụt tủy...
Trong CC đột quỵ não, TS-BS Nguyễn Huy Thắng, Chủ tịch Hội Đột quỵ TP.HCM, cho biết nghiên cứu trước đây của BV Nhân dân 115 cho thấy có đến 75% BN đến được BV thì đã vượt quá thời gian vàng cứu chữa (sau 6 giờ). Về nguyên tắc, cứ mỗi 15 phút điều trị sớm sẽ giúp BN đột quỵ giảm 4% nguy cơ tử vong, đồng nghĩa tăng 4% cơ hội sống sót.
Hiện nay việc điều trị đột quỵ tại BV Nhân dân 115 mở rộng đến 24 giờ (tùy trường hợp). Nếu phát hiện người thân bị đột quỵ não (méo miệng, liệt tay và chân cùng bên, rối loạn ngôn ngữ) thì tốt nhất là không làm gì cả ngoài việc quan trọng nhất là nghĩ xem chung quanh nhà mình có BV nào gần nhất điều trị đột quỵ hiệu quả thì nhanh chóng đưa đến.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.