Everest đối mặt nguy cơ ô nhiễm vì... phân người

Ngọc Quý
Ngọc Quý
07/08/2018 16:03 GMT+7

Nhiều người khi nói đến Everest sẽ nghĩ đến cảnh tượng hùng vĩ của ngọn núi cao nhất thế giới. Thế nhưng, nơi đây đang đối mặt nguy cơ ô nhiễm vì hàng tấn phân của người leo núi để lại có thể tràn ra các sông băng.

Vào mùa này, những người khuân vác làm việc ở vùng núi Everest đã phải khuân hơn 12,7 tấn phân người từ các trạm nghỉ dọc theo con đường lên đỉnh núi cao nhất thế giới xuống nơi xử lý, CNN dẫn thông tin của Ủy ban kiểm soát ô nhiễm Sagarmatha (SPCC) của Nepal.
SPCC là một tổ chức phi chính phủ chịu trách nhiệm dọn dẹp và giữ vệ sinh ở Everest. Từ trước đến nay, phân của những người leo núi được đổ vào những cái hố gần Gorak Shep, hồ nước đóng băng ở độ cao khoảng 5,2 km trên mực nước biển.
Tuy nhiên, những hố chứa phân này đang bị lún, có thể rò rỉ vào các con sông và làm ô nhiễm nguồn cung cấp nước.
“Thật mất thẩm mỹ và vệ sinh. Đó là vấn đề sức khỏe và là một cơn ác mộng về môi trường”, Garry Porter, một kỹ sư về hưu và từng ghé qua các trạm nghỉ trên đường lên Everest, nói với CNN.
Ông cho rằng lỗi không phải ở những người leo núi hay các nhà chức trách Nepal mà là vì không có một cơ sở xử lý chất thải tại chỗ. Cô Yangji Doma, đại diện của SPCC, cũng đồng ý với ý kiến này.
“Chúng tôi chỉ đảm bảo làm sao để phân thải không được đổ xuống các sông băng. Nhưng vấn đề chính ở đây là phân bị đóng băng và không thể phân hủy theo cách tự nhiên vì nhiệt độ quá lạnh”, cô Yangji Doma nói.
Do đó, ông Porter và một người bạn leo núi là Dan Mazur đã phát động Dự án khí sinh học Everest. Họ tìm cách xây dựng một hầm khí sinh học ở gần hồ băng Gorak Shep có chức năng biến phân người thành khí metan, theo CNN.
Các hầm khí sinh học được xây dựng ở rất nhiều nơi trên thế giới để xử lý chất thải động vật. Tuy nhiên, để hầm hoạt động ở vùng núi có độ cao lớn và nhiệt độ ở mức 0 độ C thì rất khó. Nguyên nhân là do nhiệt độ lạnh khiến các vi khuẩn không thể ăn và phân hủy chất thải.
Do đó, nhóm muốn sử dụng những tấm pin năng lượng mặt trời để chuyển hóa ánh sáng thành năng lượng giữ ấm hầm phân, cùng theo đó là hệ thống pin có khả năng lưu trữ năng lượng để cung cấp vào ban đêm. Khí metan thu được sẽ dùng để nấu ăn và thắp sáng.
Với những giải pháp này, họ hy vọng có thể giúp kiểm soát nguy cơ ô nhiễm do phân người vào các hồ nước và sông băng dọc con đường lên đỉnh Everest, theo CNN.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.