Đuổi muỗi sốt xuất huyết bằng sóng âm trên điện thoại: Lợi hay hại?

12/09/2019 04:29 GMT+7

Bên cạnh những cách truyền thống, hiện nay, một số cách đuổi muỗi công nghệ cũng được ứng dụng, trong đó có phần mềm phát sóng âm trên điện thoại. Tuy nhiên, bác sĩ cảnh báo người dân cần cẩn trọng để không ảnh hưởng sức khỏe .

Phát sóng âm đuổi muỗi

Trong mùa dịch sốt xuất huyết, nhiều người đã tìm nhiều cách khác nhau để diệt, đuổi muỗi.
Chị T.B.M (32 tuổi, ngụ Q.Bình Thạnh, TP.HCM) nghe bạn bè giới thiệu đã tự tìm và tải ứng dụng sóng âm đuổi muỗi về điện thoại. Chị M. cho biết, nhà có con nhỏ nên rất ngại dùng các hóa chất diệt muỗi. Đang mùa mưa nhiều muỗi và có dịch sốt xuất huyết nên chị nghe có phương pháp đuổi muỗi công nghệ này nên tải về dùng thử.
Sau mấy buổi tối bật sóng âm trên điện thoại để đuổi muỗi, chị M. cho biết, muỗi không hết mà lại còn tập trung nhiều hơn. Chưa kể, sau vài đêm ngủ với sóng âm đuổi muỗi, chị và chồng đều có cảm giác khó chịu, ong ong trong đầu, lâng lâng khi sáng thức dậy.
Hiện có nhiều phần mềm, ứng dụng (app) đuổi muỗi có thể được tải về miễn phí và cài đặt trên điện thoại. Theo giới thiệu của một số ứng dụng, các ứng dụng đuổi muỗi và côn trùng (như ruồi) này chạy trên hệ điều hành Android hay iOS. Các ứng dụng này giả lập tần số sóng siêu âm của loài dơi và chuồn chuồn, vốn là kẻ thù của muỗi, khiến chúng sợ và tránh xa khu vực phát sóng. Có ứng dụng đã cài sẵn tần số sóng âm cố định, có ứng dụng đưa ra nhiều tần số khác nhau để người dùng tự chọn. Từ đó ứng dụng sẽ phát ra sóng âm qua loa của điện thoại để giúp đuổi muỗi.
Không chỉ trên app điện thoại, trên các trang bán hàng online, nhiều thiết bị phát sóng âm đuổi muỗi và chuột cũng được rao bán. Các thiết bị này cũng hoạt động trên nguyên lý tạo ra sóng âm của côn trùng để xua đuổi chúng. “Vào mùa, muỗi cái không thích gặp muỗi đực. Thiết bị này bắt chước muỗi đực và tần số khỏe mạnh của chuồn chuồn giúp nó tránh xa muỗi cái đang mang thai. Chuồn chuồn là loài săn muỗi”, theo quảng cáo của một thiết bị.
Cũng đang tìm cách diệt, đuổi muỗi, chị N.B.A và bạn bè đã mua thử thiết bị đuổi muỗi bằng sóng âm này về. Tuy nhiên, qua mấy ngày hoạt động thì muỗi ở đâu cũng còn đấy, không hiệu quả.

Cẩn trọng

Theo thạc sĩ - bác sĩ Đỗ Hồng Giang, Trưởng Khoa Thính học, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM: Tai con người có thể nghe được âm thanh trong khoảng tần số từ 20 Hz – 20.000 Hz (20 KHz). Sóng âm dưới ngưỡng 20 Hz gọi là hạ âm, trên 20 KHz gọi là siêu âm.
“Hạ âm có trong môi trường thiên nhiên sau mỗi cơn mưa bão. Nhiều nghiên cứu cho thấy hạ âm gây ra những ảnh hưởng tức thì cho sức khỏe như chóng mặt, nôn nao, khó chịu, nhức đầu, đau nhức khớp. Sở dĩ như vậy vì hạ âm làm cho các phân tử ở tế bào dao động ở mức vi thể”, bác sĩ Giang nói.
Còn đối với sóng siêu âm, bác sĩ Giang cho biết, con người không nghe được và tai cũng không bị ảnh hưởng bởi cấu trúc của tai không có những tế bào chịu sự tác động của siêu âm. Trong y tế, sóng siêu âm được ứng dụng rộng rãi phục vụ cho chẩn đoán bệnh nhưng cần có chỉ định của bác sĩ.
“Tuy nhiên, người dân sử dụng thiết bị sóng âm không có nguồn gốc rõ ràng, chưa được kiểm chứng, không xác định được chính xác dải tần cụ thể là điều không nên. Không gì chắc chắn được sóng âm phát ra đúng dải tần như ghi chú trên sản phẩm (không có cơ quan chức năng, khoa học kiểm chứng)”, bác sĩ Giang khuyến cáo.
Mặt khác, theo các bác sĩ, dùng sóng âm cũng không chắc đuổi được muỗi, phòng bệnh sốt xuất huyết. Cách tốt nhất là người dân cần diệt muỗi, lăng quăng và phòng ngừa muỗi đốt theo các hướng dẫn và khuyến cáo của ngành y tế để phòng bệnh và bảo vệ sức khỏe.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.