Dùng tế bào gốc máu cuống rốn điều trị hở hàm ếch

08/10/2018 15:30 GMT+7

Các nhà nghiên cứu của Bệnh viện De San Jose (Colombia) đang thử nghiệm một phương pháp điều trị mới, sử dụng tế bào gốc máu cuống rốn để chỉnh hình dị tật hở hàm ếch.

Các nhà nghiên cứu đã công bố truờng hợp một cô bé bị phát hiện hở hàm ếch khi còn nằm trong bụng mẹ. 
Vì vậy, ngay sau khi sinh ra, em bé được lấy tế bào gốc máu cuống rốn để trữ đông lạnh cho mục đích sử dụng sau này, theo Daily Mail.
Khi được 5 tháng tuổi, cô bé đã được phẫu thuật để chỉnh sửa lại phần môi bị sứt. Vào thời điểm đó, các nhà nghiên cứu cũng tiêm các tế bào gốc của cô bé, mà họ đã đông lạnh lúc trước, vào phần mà xương hàm bị mất.
Sau một thời gian, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra và nhận thấy chỗ xương bị mất này đã phát triển lên.
Theo các tác giả nghiên cứu, sức mạnh tái tạo của tế bào gốc đã khuyến khích các nhà khoa học tìm kiếm những phương pháp mới để hỗ trợ việc điều trị, giúp mang lại hiệu quả cao hơn cho bệnh nhân, bao gồm những bệnh nhân sứt môi hở hàm ếch.
Các nhà nghiên cứu đã thử nghiệm phương pháp điều trị trên ở 9 trẻ trong vòng 10 năm qua, theo Daily Mail, ngày 5.10.
Hiện tại, những đứa trẻ tham gia nghiên cứu vẫn đang được tiếp tục theo dõi quá trình tiến triển. Các nhà khoa học cho biết các ca phẫu thuật đều cho một kết quả rất khả quan.
Họ đã thấy được một xương hàm mới từ chỗ hở của các trẻ và giúp bệnh nhi không phải phẫu thuật ghép xương sau khi lớn.
Kết quả của nghiên cứu trên đã được đăng trên tạp chí The Journal of Craniofacial Surgery.
Trên thế giới, tỉ lệ trẻ bị hở hàm ếch là 1/700. Những phương pháp điều trị hiện tại được các bác sĩ áp dụng là sử dụng xương của một phần nào đó trên cơ thể của trẻ, chẳng hạn như hông, để ghép vào chỗ hở.
Tuy nhiên, phẫu thuật ghép xương có thể gây nên những biến chứng cho trẻ, các bác sĩ cho biết trên Daily Mail. Phương pháp tế bào gốc này được kỳ vọng sẽ giúp giảm số lượng ca phẫu thuật ở các bé bị dị tật hở hàm ếch.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.