Dùng tế bào gốc để chữa bệnh

28/02/2009 15:35 GMT+7

(TNTS) Một bước tiến mới trong y học đó là dùng tế bào gốc (TBG) để biệt hóa, nuôi cấy thành những "nguyên liệu" chữa được nhiều loại bệnh, trong đó có bệnh nan y.

Ứng dụng tế bào gốc

Tại buổi hội thảo khoa học về chủ đề "Ứng dụng TBG từ lý thuyết đến hiện thực" diễn ra tại TP.HCM hôm 15.2 vừa qua, trình bày của các nhà chuyên môn cho biết: TBG là tế bào có khả năng biệt hóa thành nhiều loại tế bào khác nhau để thay thế cho tế bào bị mất đi do chấn thương, bệnh tật, hay do tuổi già...

PGS-TS Phan Toàn Thắng (người Việt hiện đang sống và làm việc tại Singapore, là người đã có công trình nghiên cứu về TBG) nói: Hiện nay, TBG được sử dụng thành công trong việc chữa một số bệnh ở người như: suy tủy, ung thư máu, và có nhiều hứa hẹn trong tương lai để dùng chữa được rất nhiều căn bệnh khác, chẳng hạn tiểu đường, liệt do chấn thương tủy sống, một số bệnh ung thư và bệnh lý gien... Còn theo TS-BS Lê Văn Đông (Học viện Quân y): loại TBG được dùng phổ biến nhất, thành công nhất hiện nay trên thế giới cũng như tại VN đó là TBG tạo máu được lấy từ tủy xương, hoặc máu ngoại vi để điều trị các bệnh về máu và cơ quan tạo máu. Nhiều loại TBG khác cũng đang được nghiên cứu gồm TBG ở các mô khác ở người trưởng thành và TBG phôi.

Lưu trữ máu cuống rốn

+ Các TBG sau khi phân lập sẽ qua quy trình xử lý đặc biệt để hạ nhiệt độ xuống âm 80 độ C, sau đó được bảo quản liên tục trong ni-tơ lỏng ở nhiệt độ âm 196 độ C. Hầu hết các ngân hàng lưu trữ TBG trên thế giới áp dụng khoảng thời gian lưu trữ từ 18-20 năm. Sở dĩ lấy mốc thời gian này là vì, khi ấy đứa trẻ - chủ nhân sinh học của mẫu dây rốn đã là người trưởng thành, và có quyền quyết định có lưu giữ tiếp, sử dụng hay hủy bỏ mẫu tế bào lưu đó. 

+ Tại VN, lần đầu tiên, một ngân hàng lưu trữ TBG do Bộ Y tế cấp phép cũng vừa được đưa vào hoạt động tại TP.HCM. 

PGS-TS Phan Toàn Thắng cho biết: "Màng ối bao phủ dây rốn đã được phát hiện là một nguồn phong phú các TBG, tiền thân biểu mô và trung mô. Các TBG trung mô có thể phát triển thành các dòng tế bào mỡ, xương, sụn. Các TBG biểu mô màng dây rốn có thể được biệt hóa thành tế bào gan trưởng thành. Với chiều dài của một dây rốn, sản lượng TBG từ màng ối bao quanh dây rốn là rất cao, có thể thu hoạch được vài tỉ TBG biểu mô và TBG trung mô". Tương tự, TS-BS Lê Văn Đông nói: "Dây rốn của em bé có chứa nhiều loại TBG cả trong máu dây rốn và màng bao dây rốn. Các TBG từ dây rốn có đặc điểm là dễ được các cơ thể khác gien chấp nhận. Việc thu thập dây rốn cũng không ảnh hưởng gì đến sức khỏe của bà mẹ và em bé, vì thực tế dây rốn thường được bỏ đi sau sinh. Vì thế, dây rốn là nguồn cung cấp TBG lý tưởng. Cất giữ TBG dây rốn là một giải pháp đặc biệt bởi: tính đặc trưng của dây rốn đã nói trên; thứ hai, cất giữ TBG dây rốn của em bé sau sinh sẽ đảm bảo trong tương lai nếu em bé đó không may mắc một bệnh cần phải dùng đến TBG để chữa trị thì dùng chính TBG đó để chữa trị cho em".

Việc lấy TBG từ dây rốn lưu trữ của chính mình sẽ phù hợp nhất, vì không bị hệ thống miễn dịch của cơ thể tấn công loại bỏ. Ngoài ra, TBG lấy từ dây rốn lưu trữ của mình còn có thể dùng chữa trị bệnh cho những người thân trong gia đình như bố mẹ, anh chị, thậm chí là một người ngoài gia đình. Mỗi năm trên thế giới có hàng ngàn người bệnh được cứu sống nhờ ghép TBG máu dây rốn.

Hiệu quả và tính an toàn

Theo trình bày của các bác sĩ, hiệu quả của phương pháp chữa trị bằng TBG phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ yếu tố của bệnh nhân được ghép TBG lẫn yếu tố của chế phẩm tế bào dùng trị bệnh. Với người bệnh, nếu được ghép TBG của chính mình thì có hiệu quả nhất. Khi TBG ghép vào được lấy từ người khác thì hiệu quả đạt được phụ thuộc vào mức độ phù hợp các chỉ số xét nghiệm của mẫu TBG và bệnh nhân. Ngoài ra, còn phụ thuộc vào loại bệnh và tình trạng bệnh, trình độ chẩn đoán, chăm sóc bệnh nhân trước, trong và sau khi ghép. Do vậy, việc "tuyển chọn" dây rốn rất quan trọng. Cần chọn dây rốn từ người mẹ và thai nhi khỏe mạnh, không có các bệnh nhiễm trùng... Ngay cả khi các tế bào được tách ra từ dây rốn rồi mà nếu các xét nghiệm phát hiện chất lượng tế bào kém thì cũng không đem bảo quản, lưu trữ.

Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.