Đừng làm ngơ khi người mẹ trầm cảm sau sinh

18/06/2017 09:18 GMT+7

Từ những nỗi buồn, đến trầm cảm và nặng nhất là loạn thần, nếu không được quan tâm, hỗ trợ, cởi bỏ nút thắt tâm lý kịp thời, người phụ nữ trầm cảm sau sinh sẽ rất dễ rơi vào bi kịch.

Ngột ngạt trong 4 bức tường sau sinh
Chị T.B.T. (ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ: Sau khi sinh con đầu lòng, tôi từng bị trầm cảm nhẹ. Có lúc cảm xúc bế tắc đến mức muốn nhảy cầu. Mệt mỏi từ khi có thai, đến khi sinh. Sinh xong lại thức đêm chăm con. Cả ngày chỉ quẩn quanh trong bốn bức tường của căn phòng. Hầu hết mọi việc đều tự mình làm một mình. Chồng ngủ riêng ít nói, ít chia sẻ việc nhà. Bố mẹ chồng có giúp đỡ nhưng kỹ tính hay xét nét. Nói chồng thì bố mẹ chồng bênh con, la mình. Mâu thuẫn gia đình càng trầm trọng.
“Lúc đó, mình không thể chia sẻ với ai khiến ấm ức lâu dần tích tụ, cảm thấy mịt mù, ngột ngạt”, chị T. kể.
Rất may, chị T. đã tìm được một người bạn đại học. “Cô ấy chịu nghe tôi nói trong một tháng trời qua facebook. Mọi thứ được giải tỏa! Tôi dần dần ngủ được nên cảm xúc dần dần được cân bằng!”, chị T. tâm sự.
Chị T.H.H. (30 tuổi, ngụ quận 4, TP.HCM) chia sẻ: Ngày trước đi làm, giao thiệp rộng, đi lại nhiều. Đến khi có con, từ tinh mơ mở mắt thức dậy, đến khi nhắm mắt ngủ chỉ loanh quanh mỗi cho con bú, rồi lại thay tả cho con, ru con ngủ. Rồi những lúc mệt rã rời mà con mãi không ngủ để mình chợp mắt. Hay những khi con khóc suốt dỗ sao cũng không nín, không rõ nguyên do. Có những lúc chỉ muốn quăng con xuống giường. Mặc con khóc. Còn mình cũng ngồi một góc khóc phần mình.

tin liên quan

6 cách tự nhiên chữa trầm cảm
Những trục trặc trong cuộc sống có thể khiến chúng ta lo lắng và trầm cảm. Trầm cảm cần điều trị và trợ giúp y tế. Nhưng vấn đề duy nhất là thuốc chống trầm cảm có thể gây ra các phản ứng phụ nghiêm trọng.
Chị H. tâm sự: Đầu tóc thì rối bù, quần áo lốm đốm dính đủ dấu tích của sữa, mùi con ọc trớ, nhiều lúc đang thay tả ở dưới thì con bé lại quay qua quay lại ọc ở trên. Xung quanh chỉ 4 bức tường phòng. Mình tự soi gương mình thấy chán và đâm ra hoảng loạn. Trời càng về chiều càng ảm đạm và cứ nhìn chăm chăm đồng hồ mong đến giờ chồng đi làm về, nghe tiếng xe dưới cổng nhà mà ngóng. Để được giải thoát.
Sau sinh, phụ nữ cần nhất chồng
Theo Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Huỳnh Nguyễn Khánh Trang, Trưởng khoa Sản bệnh, Bệnh viện Hùng Vương (TP.HCM): một nghiên cứu tại Bệnh viện Hùng Vương cho thấy, các yếu tố làm tăng nguy cơ trầm cảm sau sinh xảy ra ở sản phụ như: Sản phụ là người dễ xúc cảm hơn người khác; không có hoặc thiếu sự quan tâm của người thân, đặc biệt là người chồng sau sinh, sự chia sẻ trong việc chăm sóc em bé.
Mặt khác, những sản phụ có em bé được sinh ra có vấn đề về sức khỏe, phải nằm dưỡng nhi lâu hoặc cuộc sinh khó khăn; hay mất con cũng có khả năng trầm cảm cao.
Nhiều sản phụ rơi vào trầm cảm bởi thai kỳ không mong muốn (chưa muốn có con) nhưng chịu nhiều áp lực phải sinh con, có thể từ chồng và gia đình.
“Sau khi sinh nở, cơ thể người phụ nữ có nhiều thay đổi, không còn được như trước nữa cũng làm tinh thần sản phụ bấp bênh, lo lắng. Nếu bên cạnh đó còn là sự thờ ơ, thiếu quan tâm của người chồng thì tinh thần sản phụ lại càng xuống dốc”, bác sĩ Trang nói.
Người phụ nữ cần sự quan tâm chăm sóc của người thân, đặc biệt là chồng để có sức khỏe và tâm lý tốt nhất sau sinh ShutterStock
Theo bác sĩ Trang, có 3 mức độ liên quan đến rắc rối tâm lý của sản phụ sau sinh. Mức độ nhẹ nhất là buồn sau sinh (thường gặp khoảng 30-80%). Những trường hợp này, sản phụ buồn không có lý do nhưng chỉ thoáng qua. Vẫn làm việc, sinh hoạt bình thường. Bên cạnh đó có kèm mất ngủ.
Mức độ nặng hơn là trầm cảm sau sinh (chiếm 10-15%). Những trường hợp này, sản phụ buồn suốt ngày, kéo dài và mất ngủ thường xuyên. Ở giai đoạn này, nhiều người đã có ý định tự tử.
Nặng nhất là sản phụ có thể bị loạn thần sau sinh và phải đến khám, được bác sĩ điều trị tâm thần.

tin liên quan

Bác sĩ sản kể chuyện những ca sinh hy hữu vào giao thừa
Giao thừa là thời khắc thiêng liêng dành cho sự đoàn viên gia đình. Tuy nhiên, các bác sĩ sản khoa lại thường xuyên đón giao thừa trong bệnh viện. Và giao thừa mỗi năm như thế lại có những ca sinh đặc biệt.
Bác sĩ Trang khuyên phụ nữ khi mang thai nên tham gia các lớp học tiền sản để được tư vấn, trang bị các kiến thức về thai kỳ, sinh nở và nuôi con sau khi sinh. Chuẩn bị trước tâm lý, lường trước những vấn đề sẽ xảy đến khi sinh và sau sinh.
“Đặc biệt, người chồng có vai trò quan trọng bậc nhất đối với tâm lý vợ sau sinh. Phải luôn quan tâm, hỗ trợ, ở bên cạnh chăm sóc vợ con”, bác sĩ Trang đánh giá.
Vì vậy, ngay cả khi tham gia các lớp học tiền sản, tốt nhất nên có sự tham gia của cả hai vợ chồng. Người chồng sẽ cùng có những hiểu biết để chia sẻ với vợ, hỗ trợ vợ sau sinh và chăm sóc con cùng vợ.
Tất cả những điều trên sẽ giúp phụ nữ giảm được nguy cơ trầm cảm sau sinh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.