Đừng chủ quan với lồng ruột!

03/03/2017 13:05 GMT+7

Lồng ruột là một trạng thái bệnh lý, trong đó một đoạn ruột chui lồng vào đoạn ruột tiếp theo, là nguyên nhân thường gặp của tắc ruột cơ học ở trẻ nhỏ dưới 2 tuổi mà cơ chế là vừa bịt nút, vừa thắt nghẹt.

Nếu không được điều trị kịp thời, khối lồng sẽ bị hoại tử đưa đến thủng ruột, sau đó dịch và phân trong lòng ruột xì ra ổ bụng gây nên viêm màng bụng. Bác sĩ Dư Minh Trí - Bệnh viện Nhi đồng 1 chia sẻ về căn bệnh này.
Đừng chủ quan!
Chị Chi kể lại chuyện bé con nhà chị bị rối loạn tiêu hóa với triệu chứng đi phân sống, chán ăn, thỉnh thoảng ôm bụng khóc vì đau. Những lúc không đau bé vẫn chơi bình thường nên chị cũng không lo lắm, chỉ cho uống men tiêu hóa. Chị nói do công việc nhiều nên định đợi đến chiều mới đưa con khám bệnh nhưng cô bạn đồng nghiệp nghi ngờ bé bị lồng ruột nên khuyên chị đưa con đến bệnh viện kịp thời. Sau khi kiểm tra, bác sĩ chẩn đoán bé N. bị lồng ruột, may là được đưa đến bệnh viện sớm nên ruột không bị hoại tử, chỉ tháo lồng không cần phẫu thuật.

Lồng ruột là nguyên nhân hàng đầu gây tắc ruột ở trẻ nhỏ. Lồng ruột có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, 80 - 90% dưới 24 tháng, trong hơn 50% trường hợp bệnh xảy ra giữa 3 tháng tuổi và 1 tuổi, nhiều nhất là 6 tháng tuổi. Bệnh hiếm khi xảy ra sau 5 tuổi. Đây là trạng thái bệnh lý trong đó 2 khúc ruột trên và dưới chui lồng vào nhau gây nên hội chứng tắc ruột cơ học.
Theo nhiều bác sĩ ngoại khoa, hiện nay vẫn chưa xác định được nguyên nhân chính xác gây bệnh lồng ruột, do vậy không có cách phòng ngừa hữu hiệu căn bệnh này. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, chế độ ăn dặm, thay đổi sữa đột ngột đã làm nhu động ruột của trẻ thay đổi đột ngột, dễ gây bệnh lồng ruột. Vì vậy, khi cho trẻ ăn dặm, lúc chuyển đổi sữa theo độ tuổi của trẻ, các bà mẹ nên cho trẻ ăn từ từ với liều lượng tăng dần.

tin liên quan

Bị đau lưng, nên làm gì?
Đừng bao giờ sử dụng thuốc giảm đau để điều trị đau lưng, đó là tuyên bố mới của Trường đại học Thầy thuốc Mỹ (ACP).

Một số nguyên nhân khác cho là do các khối u, polyp ruột. Ngoài ra, nhiễm Rotavirus, gây nôn, tiêu chảy cấp, gây rối loạn co bóp ruột... cũng là tác nhân gây lồng ruột.
Bệnh thường xảy ra ở trẻ có dinh dưỡng tốt, bụ bẫm, sổ sữa, hay gặp ở bé trai hơn bé gái do áp suất trong bụng và nhu động ruột ở bé trai hơn bé gái.
Khi trẻ bị nhiễm siêu vi cũng tăng nhu động ruột bởi đó là yếu tố “thuận lợi” cho lồng ruột. Nếu lồng ruột kèm theo một bệnh nhiễm trùng hô hấp hoặc tiêu hóa khác thì dễ khiến phụ huynh bỏ qua chuyện lồng ruột.
Phụ huynh có thể nhận biết bệnh khi trẻ có biểu hiện: khóc thét từng cơn khoảng 5 - 10 phút tương ứng với nhu động ruột đang co bóp mạnh. Khi ruột hết co bóp thì bé hết đau, bớt khóc, bỏ bú. Nôn vọt xuất hiện sớm. Tiêu máu thường xuất hiện sau 6 - 12 tiếng, máu lẫn nhầy, đỏ tươi (đến sớm) hoặc đỏ bầm (đến muộn). Khi trẻ nằm yên, sờ tay vào dưới bụng phải hoặc trên rốn có thể cảm nhận một khối nổi lên, đó là khối ruột bị lồng. Đồng thời kèm theo biểu hiện da tái, môi khô, mạch nhanh, người lạnh, mắt trũng...
Lồng ruột hay rối loạn tiêu hóa ? 2
Có thể tái phát
Tắc ruột không hoàn toàn do đoạn ruột chứa đựng chèn ép lên thành của đoạn ruột bị đựng và gây ra đau bụng từng cơn, làm tắc mạch máu nuôi đoạn ruột bên trong. Nếu phát hiện trễ sẽ dẫn đến hoại tử, gây thủng ruột và viêm phúc mạc. Nhiều trường hợp bị lồng ruột phức tạp phải tháo nhiều lần. Trường hợp đến trễ hơn 24 giờ, ruột tắc nghẽn, sưng nề, hoại tử thì cần phải phẫu thuật cắt bỏ đoạn ruột đó. Tuy nhiên, việc chăm sóc và hồi sức cho trẻ sau mổ rất khó khăn và phức tạp. Trẻ dễ tử vong do suy kiệt và viêm phổi nặng.
Phát hiện bệnh sớm sẽ giúp việc điều trị nhẹ nhàng, trẻ chỉ cần tháo lồng bằng hơi mà không cần phải phẫu thuật. Cần lưu ý, có nhiều trường hợp bệnh nhi được đưa đến bệnh viện trong tình trạng nguy cấp đến tính mạng do phụ huynh chủ quan lầm tưởng trẻ bị đau bụng do rối loạn tiêu hóa hay đi ngoài thông thường. Thống kê cho thấy 2,5% khối lồng bị hoại tử trước 48 tiếng và 82% hoại tử sau 72 tiếng. Do đó, khi thấy những dấu hiệu biểu hiện của bệnh như trên, phụ huynh cần nghĩ ngay đến tình trạng lồng ruột và đưa trẻ đến các bệnh viện chuyên khoa nhi để được thăm khám và xử trí kịp thời.

Trẻ bị lồng ruột sau khi điều trị vẫn có nguy cơ bị tái phát. Với những trường hợp này, phụ huynh cần theo dõi, nếu thấy trẻ quấy khóc, nôn ói cần lập tức đưa trẻ đến bệnh viện. Những trường hợp lồng ruột tái đi tái lại nhiều lần sẽ được chỉ định nội soi đại tràng kiểm tra có polyp hay vấn đề gì bất thường không.
Sau phẫu thuật do quai ruột của trẻ bị tác động mạnh, gây giãn tối đa, nên tránh cho trẻ ăn đồ ăn nguội, nếu không sẽ khó tiêu hóa, nhu động ruột tăng mạnh. Điều này có thể gây lồng ruột lại và nguy cơ phải phẫu thuật tháo lồng là rất cao.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.