Đưa dịch vụ kỹ thuật cao về cơ sở

Liên Châu
Liên Châu
16/02/2019 09:28 GMT+7

Cơ sở 2 của BV Bạch Mai và BV Hữu nghị Việt Đức xây dựng theo hướng hiện đại, kỹ thuật cao, có cơ chế quản lý điều hành tiên tiến để cung ứng dịch vụ KCB, chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực.

PGS-TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (KCB, Bộ Y tế), cho biết dự án xây dựng cơ sở 2 của BV Hữu nghị Việt Đức và BV Bạch Mai (Hà Nội) tại Hà Nam nhằm góp phần giảm quá tải BV tuyến trên và quan trọng nhất là thuận lợi cho người dân các tỉnh được tiếp cận dịch vụ y tế thuận lợi nhất khi có bệnh nặng. Dù là cơ sở 2, mang thương hiệu uy tín nhưng vẫn phải được thẩm định trước khi hoạt động, đảm bảo đúng hành lang pháp lý, an toàn người bệnh.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết cơ sở 2 của BV Bạch Mai và BV Hữu nghị Việt Đức xây dựng theo hướng hiện đại, kỹ thuật cao, có cơ chế quản lý điều hành tiên tiến để cung ứng dịch vụ KCB, chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực.
Riêng cơ sở 2 của BV Bạch Mai có quy mô 1.000 giường bệnh nội trú; có khả năng khám khoảng 4.000 - 5.000 lượt người bệnh mỗi ngày; chữa các bệnh nặng, chuyên khoa sâu như: tim mạch, nội, ung bướu, thận tiết niệu, hô hấp.
Cơ sở 2 của BV Hữu nghị Việt Đức có quy mô 1.000 giường bệnh nội trú, có khả năng khám khoảng 3.500 lượt người bệnh mỗi ngày. Đây cũng là một BV ngoại khoa hoàn chỉnh chữa trị các chấn thương: xương, sọ, não, đầu mặt, cổ, lồng ngực, cột sống, vi phẫu tim mạch...
Tại BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, cơ sở 2 (tại xã Kim Chung, Đông Anh, Hà Nội), Khoa Khám bệnh được trang bị đầy đủ các thiết bị hiện đại, đủ năng lực xét nghiệm, phát hiện các bệnh truyền nhiễm. Cơ sở 2 của BV có quy mô 1.000 giường trên diện tích 12 ha cùng với việc giảm tải cho cơ sở 1 và nâng cao chất lượng KCB cho người dân vùng Tây Bắc.
Theo PGS-TS Lương Ngọc Khuê, sau 5 năm thực hiện đề án BV vệ tinh (BVVT) giai đoạn 2013 - 2018, đã hình thành 138 BVVT trên cả nước. Các chuyên khoa được đầu tư và ưu tiên phát triển là: ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch, sản, nhi, nội tiết, thần kinh, huyết học lâm sàng, hồi sức cấp cứu, chống độc.
BVVT phát triển rộng khắp các tỉnh thành không chỉ ở các BV tuyến tỉnh mà còn thực hiện ở nhiều BV tuyến huyện như BV đa khoa H.Mộc Châu, Bệnh viện đa khoa H.Mường Khương, Lào Cai... BVVT không chỉ là những BV công lập mà còn ở các BV ngoài công lập. Đề án BVVT góp phần nâng cao năng lực cung cấp dịch vụ KCB, đưa các dịch vụ mới, kỹ thuật cao, kỹ thuật mới về gần dân, giảm tỷ lệ chuyển bệnh lên tuyến trên.
“Chúng tôi hướng đến mục tiêu giảm hơn 90% tỷ lệ chuyển tuyến từ BVVT lên BV hạt nhân với các nhóm bệnh liên quan đến kỹ thuật đã được chuyển giao. Vừa qua, các chuyên khoa được chuyển giao cho BVVT đều giảm tỷ lệ chuyển tuyến”, ông Khuê cho biết.
Theo ông Khuê, trong năm 2019 bắt đầu thiết lập hệ thống công nghệ thông tin và kết nối BV hạt nhân với BV vệ tinh, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin (Telemedicine), đảm bảo 100% các BVVT thường xuyên kết nối đào tạo, hội thảo, tư vấn khám bệnh, hội chẩn từ xa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.