Du khách đuối nước, ngưng thở hơn 20 phút được cứu sống ngoạn mục nhờ 'ngủ đông'

An Dy
An Dy
16/05/2020 18:54 GMT+7

Ngày 16.5, Bệnh viện Đà Nẵng cho biết bệnh viện vừa cấp cứu thành công một ca đuối nước khi tắm biển. Nạn nhân ngưng thở hơn 20 phút nhưng đã được cứu sống ngoạn mục mà không tổn thương não…

Bác sĩ Hà Sơn Bình (Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, Bệnh viện Đà Nẵng) cho biết đội phản ứng nhanh của Khoa đã kịp thời cứu sống du khách tên N.M.Q (28 tuổi, ngụ Hà Nội) bị đuối nước ở biển Đà Nẵng dẫn đến hôn mê sâu.

Hạ thân nhiệt để bảo vệ khỏi tổn thương não

Trước đó (ngày 8.5), anh Q. cùng hai người bạn tắm biển thuộc khu vực một resort ở quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) thì cả ba người đều bị nước cuốn trôi. Hai người bạn của Q. được cứu hộ kịp thời nên chỉ bị choáng nhẹ, riêng Q. bị chìm trong nước khoảng 3 phút mới được cứu và đưa lên bờ.
Mặc dù đã được sơ cấp cứu tại hiện trường, nhưng rất nhanh sau đó, nạn nhân bắt đầu suy hô hấp và rơi vào trạng thái hôn mê sâu. Bác sĩ Bình cho biết bệnh nhân được tiếp nhận trong tình trạng tím tái toàn thân, ngưng tim, ngưng thở gần 20 phút và duy trì bằng nhồi tim liên tục, hôn mê sâu, khí máu toan chuyển hóa rất nặng.
“Ngay thời điểm đó, chúng tôi đang cấp cứu gần 20 người của cả 2 vụ ngộ độc tập thể, nhiều người trong số này đang được thực hiện hồi sức bằng phương pháp tim phổi nhân tạo, nên phải khởi động chế độ “báo động, phản ứng nhanh”. Bác sĩ toàn khoa có mặt sau vài phút và đi đến quyết định thực hiện hạ thân nhiệt để bảo vệ bệnh nhân khỏi tổn thương não”, bác sĩ Bình cho biết.
Với phương pháp này, thân nhiệt của bệnh nhân được hạ thấp ở mức ổn định là 33 độ, được theo dõi “ngủ đông” trong suốt hơn 24 giờ để hạn chế các hoạt động của cơ thể, đồng thời giảm được các khả năng phù não, viêm não do thiếu ô xy. Sau đó, người bệnh được tăng dần nhiệt độ ở mức thấp nhất để “đánh thức” sau thời gian “ngủ đông”.
“Điều trị hạ thân nhiệt đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ và cải thiện chức năng thần kinh trung ương, chức năng não bộ, ở những bệnh nhân ngưng tuần hoàn. Bệnh viện Đà Nẵng cũng đã áp dụng phương pháp hạ thân nhiệt cho nhiều bệnh nhân, đem lại những thành công nhất định”, bác sĩ Bình chia sẻ.

Cần cấp cứu hồi sinh tim phổi đúng cách tại cộng đồng

Theo bác sĩ Bình, bệnh nhân Q. hồi sinh ngoạn mục và không tổn thương não đã là kỳ tích, nhưng quan trọng hơn cả vẫn là việc nạn nhân được cấp cứu hồi sức tim phổi đúng cách tại cộng đồng. Dù nạn nhân có thể bị suy hô hấp dẫn đến ngưng tim, ngưng phổi nhưng nếu được cấp cứu đúng kỹ thuật trong suốt quá trình đưa đến bệnh viện thì khả năng tổn thương não và tử vong thấp hơn.
Bác sĩ Bình cho biết, ngừng tuần hoàn là trạng thái ngừng tim đột ngột, ngừng cung cấp máu cho cơ thể, đặc biệt là các cơ quan quan trọng như não, phổi... xảy ra khi nạn nhân bị điện giật, đuối nước, đa chấn thương, sốc phản vệ. Về mặt lý thuyết, việc ngừng tim chỉ 3 phút mà không cấp cứu kịp thời, đúng cách đã có thể dẫn đến tử vong. Chính vì vậy, trong quá trình đưa nạn nhân đến cơ sở y tế, cần tiến hành ép tim theo đúng kỹ thuật để giúp nạn nhân hồi phục nhanh hơn về sau và tránh nguy cơ tử vong.
“Điều đáng sợ nhất đối với các bệnh nhân sau ngừng tim, đó là cho dù sống được nhưng để lại di chứng tổn thương não rất nặng nề. Mức độ nhẹ là mất trí nhớ, liệt nửa người, co giật, động kinh. Mức độ nặng là liệt toàn thân, nằm tại chỗ, hôn mê, sống thực vật. Hậu quả sẽ làm tăng gánh nặng chăm sóc, chi phí lên gia đình và xã hội. Chính vì vậy, việc cấp cứu hồi sức tim phổi tại cộng đồng đúng cách là vô cùng quan trọng”, bác sĩ Bình chia sẻ.
Theo đó, Bệnh viện Đà Nẵng đã và đang xây dựng đề án phối hợp với Sở GD-ĐT Đà Nẵng thực hiện giáo trình hướng dẫn hồi sinh tim phổi tại cộng đồng.
“Bước đầu, chúng tôi sẽ thực hiện hướng dẫn tại các trường trung học phổ thông, các trường đại học để tăng cường kỹ năng này cho các bạn trẻ, tiến đến tăng cường năng lực cấp cứu hồi sinh tim phổi đúng cách tại cộng đồng”, bác sĩ Bình chia sẻ tâm huyết.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.