Đột nhiên nôn ói nhiều, đau bụng có cơn, coi chừng bị lồng ruột

22/03/2019 09:02 GMT+7

Lồng ruột là một cấp cứu ngoại khoa thường gặp và là nguyên nhân hàng đầu gây tắc ruột ở trẻ em, với 80% trường hợp gặp ở trẻ từ 2 - 3 tuổi.

Bé N.T.P.T.T (5 tháng tuổi) đột nhiên nôn ói nhiều, đau bụng có cơn. Bệnh nhi được đưa đến khám tại Bệnh viện Quận Thủ Đức (TP.HCM).
Qua thăm khám, bé được chẩn đoán bị lồng ruột.
Người nhà cho biết, trước đó, bé cũng đã từng bị lồng ruột một lần, với các triệu chứng tương tự. Thế nên, có kinh nghiệm, khi thấy xuất hiện các triệu chứng trên, người nhà đã ngay lập tức đưa bé đến bệnh viện để khám và điều trị kịp thời.
Bệnh nhi được can thiệp lồng ruột bằng hơi và được xuất viện sau 24 giờ can thiệp. Đây là trường hợp bệnh nhi nhỏ tuổi nhất được can thiệp lồng ruột thành công tại bệnh viện Quận Thủ Đức.
Trường hợp bé Đ.N.G.A (2 tuổi, ngụ TP.HCM) cũng nhập viện trong tình trạng nôn ói và đau bụng nhiều theo cơn. Tuy nhiên, do không biết về bệnh nên phải 30 giờ sau khi bé bị lồng ruột, gia đình mới đưa bé vào bệnh viện.
Bác sĩ Phùng Đức Tiến, Khoa Ngoại tổng quát, Bệnh viện Quận Thủ Đức (TP.HCM), cho biết: Lồng ruột là một cấp cứu ngoại khoa thường gặp và là nguyên nhân hàng đầu gây tắc ruột ở trẻ em, với 80% trường hợp gặp ở trẻ từ 2 - 3 tuổi.
Đây là hiện tượng khúc ruột phía trên di chuyển và chui vào lòng khúc ruột phía dưới (hay ngược lại), làm tắc nghẽn sự lưu thông của ruột.
Trẻ nhỏ thường bị lồng ruột do nhiều nguyên nhân.
Các triệu chứng sớm thường gặp trong lồng ruột là: nôn ói nhiều, đau bụng có cơn.
Tình trạng này để để lâu sẽ dẫn tới các bé không trung, đại tiện được hoặc đi cầu ra máu.
“Các bậc cha mẹ cần lưu ý theo dõi chặt chẽ để có thể phát hiện và đưa trẻ tới bệnh viện sớm, can thiệp kịp thời. Nếu phát hiện quá muộn rất có thể trẻ sẽ phải trải qua một cuộc mổ để tháo lồng do ruột bị hoại tử vì thiếu máu nuôi và ứ đọng dịch tại vị trí tắc”, bác sĩ Tiến khuyến cáo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.