Dịch bệnh dồn dập trong mùa khai trường

Duy Tính
Duy Tính
05/09/2018 20:08 GMT+7

Các bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng, đặc biệt là bệnh sởi được Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM cảnh báo là đang gia tăng và đe dọa lây nhiễm bệnh cho học sinh, đặc biệt là các trẻ mầm non khu vực vùng ven TP.

Ngày 5.9, Sở Y tế TP đã họp giao ban trực tuyến công tác y tế dự phòng tháng 9 với 24 quận huyện.
Bác sĩ Lê Hồng Nga, Trưởng Khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Trung tâm y tế dự phòng TP.HCM, cho biết từ đầu năm 2018 đến nay toàn TP có 10.146 ca bệnh sốt xuất huyết, giảm 28% so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, từ tháng 7, tháng 8 dịch bệnh gia tăng theo mùa, đây là tháng cao điểm của dịch trong năm.
“Dịch sốt xuất huyết tăng ở cả 24 quận huyện, cao nhất là Q.5, Q.10, Hóc Môn và Cần Giờ. Đề nghị các quận huyện cần rà soát để không bỏ sót điểm nguy cơ gây bệnh; tăng cường xử phạt vi phạm hành chính. 8 tháng qua toàn TP đã ban hành 89 quyết định xử phạt vi phạm về không thực hiện phòng chống dịch bệnh đối với các cá nhân, tổ chức”, bác sĩ Nga nói.
Về bệnh tay chân miệng, 8 tháng đầu năm 2018 toàn TP có gần 2.500 ca mắc, giảm 31% so với cùng kỳ năm 2017. Theo bác sĩ Nga, đây cũng là thời điểm bệnh tay chân miệng gia tăng, 4 tuần qua số ca mắc nhập viện và khám ngoại trú tăng nhanh liên tục. Bệnh tăng nhanh ở Q.2, Q.9, Thủ Đức, Hóc Môn, Q.12, Tân Bình, Nhà Bè, Bình Thạnh”, bác sĩ Nga cho biết.
Bác sĩ Nga cũng cảnh báo, nếu không kiểm soát ca bệnh ngoại trú thì nguy cơ lây lan cho cộng đồng là không tránh khỏi. Đặc biệt là bệnh tay chân miệng tăng ở quận huyện ngoại thành, do vậy cần tăng cường kiểm soát giám sát tất cả nhóm trẻ gia đình, trường mầm non.
Về bệnh sốt phát ban nghi sởi, từ đầu năm đến nay TP đã có 7 trường hợp mắc sởi, tăng 100% so với cùng kỳ 2017, trong đó có 3 trẻ chưa tiêm chủng ngừa sởi… Theo bác sĩ Nga, các bệnh viện (BV) nhi ở TP nhận những ca bệnh sởi ở các tỉnh về thì nguy cơ lây nhiễm cho bệnh nhân ở TP rất cao. Dự đoán bệnh sởi có thể gia tăng trong thời gian tới.
“Do đó cần tiêm ngừa sởi bắt buộc theo quy định của Bộ Y tế. Nhưng toàn TP hiện nay tiêm sởi mũi 1 (tiêm lúc trẻ 9 tháng tuổi) chỉ đạt 61,3%, mũi 2 (tiêm lúc trẻ 18 tháng tuổi) chỉ đạt hơn 30%. Trong khi đó chỉ tiêu tiêm phải đạt từ 95% (mũi 1) và 90% (mũi 2). Trung tâm y tế dự phòng đề xuất các quận huyện rà soát trẻ sinh năm 2016, 2017 và tổ chức tiêm bù đến hết ngày 31.10”, bác sĩ Nga cho biết.
Bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, chỉ đạo các quận huyện phải xóa các ổ dịch sốt xuất huyết và làm tốt phòng chống tay chân miệng. Tuy nhiên thời điểm này thì bệnh sởi là vấn đề hết sức quan tâm.
Phó giám đốc Sở chỉ đạo các BV thực hiện nghiêm túc phòng chống nhiễm khuẩn nhằm tránh lây lan cho bệnh nhân khác và Sở Y tế sẽ đi kiểm tra. Theo ông, điểm nguy cơ lây nhiễm sởi lớn nhất hiện nay là các BV. Ông chỉ đạo các phòng ban liên quan truyền thông để người dân đưa con em đi tiêm ngừa sởi vì đây là biện pháp đơn giản nhưng hiệu quả nhất trong phòng chống bệnh sởi.
Hiện tại BV Nhi đồng 2 tiếp nhận 43 ca nghi sởi, trong đó có 29 ca có kết quả xét nghiệm dương tính với sởi. Tại BV Nhi đồng 1 đã có 6 ca nhập viện do sởi, trong đó có một ca có cả ba, mẹ và bà cùng bị nhiễm sởi.
Cũng trong ngày 5.9, PGS-TS Phan Trọng Lân, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM; bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa nhiễm BV Nhi đồng 1 và đoàn công tác đã làm việc với ngành y tế tỉnh Đồng Nai để triển khai các biện pháp phòng chống bệnh sởi trên địa bàn tỉnh này sau khi có rất nhiều ca bệnh sởi từ tỉnh Đồng Nai nhập vào điều trị tại BV Nhi đồng 2.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.