'Để quên' tăm nhang cả năm trong lỗ rò ở tai

19/06/2017 16:41 GMT+7

Cụ ông bỏ quên tăm nhang trong tai hơn một năm sau khi dùng nó ngoáy lỗ rò trên tai. Hành động của cụ ông đã gây nhiễm trùng nghiêm trọng.

Đó là trường hợp của bệnh nhân B.V.T. (73 tuổi, ngụ Long An).
Chiều nay (19.6), bác sĩ chuyên khoa 2 Thái Hữu Dũng, Phó trưởng Khoa Nhi - Tổng hợp, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM, cho biết: Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng vùng phía trước và phía sau vành tai sưng nề, chảy dịch và hôi; nhiễm trùng nghiêm trọng.
Qua thăm khám, bệnh nhân được chẩn đoán bị rò luân nhĩ bên tai phải.
Bác sĩ Dũng giải thích: Rò luân nhĩ là vùng trước vành tai có một lỗ nhỏ xuất hiện từ khi sinh ra. Đây là một dị tật bẩm sinh do sự khiếm khuyết hay sự hợp nhất không hoàn toàn trong quá trình phôi thai. Rò luân nhĩ thường xuất hiện ở một bên tai (thường ở bên phải) nhưng có thể ở hai bên và nữ thường bị nhiều hơn nam.

tin liên quan

Ngủ đêm thức dậy, bỗng dưng bị… điếc
Trung bình mỗi tháng, Bệnh viện Tai Mũi Họng (TP.HCM) tiếp nhận nhập viện 80-90 ca bệnh nhân bị điếc đột ngột. Người bệnh đột nhiên bị điếc một bên tai trong khi trước đó thính lực rất tốt.
Đường rò là một ống da rất nhỏ có miệng ở trước trên cửa tai và chui ngầm vào bên trong rễ vành tai. Nó có thể nông sâu dài ngắn khác nhau (từ vài mm đến hơn 3 cm), đơn giản hoặc phức tạp. Ống này hay bị bít tắc và nhiễm trùng.
“1/3 bệnh nhân không có triệu chứng và không cần điều trị. Tuy nhiên, khi rò luân nhĩ đã nhiễm trùng thì bắt buộc phải phẫu thuật”, bác sĩ Dũng nói.
Vì vậy, bệnh nhân đã được điều trị tình trạng nhiễm trùng. Sau đó, các bác sĩ đã phẫu thuật lấy đường rò luân nhĩ cho bệnh nhân.
Trong khi phẫu thuật, các bác sĩ phát hiện đường rò đi xuyên từ phía trước ra phía sau vành tai của bệnh nhân. Trong vùng mô xơ nhiễm trùng có dị vật là cây tăm nhang dài khoảng 2 cm.
“Chính cây tăm nhang làm tắc đường rò khiến dịch không có chỗ thoát nên tràn ra ống tai và xì ra phía sau tai”, bác sĩ Dũng cho biết.
Các vị trí rò luân nhĩ thường gặp Bác sĩ cung cấp
Theo lời kể của bệnh nhân, ông bị rò luân nhĩ từ nhỏ. Từ xưa đến nay, ông có thói quen là lấy cây tăm nhang ngoáy vào trong đường rò cho… đã ngứa.
“Cách đây một năm, đang ngoáy lỗ rò bằng tăm nhang thì cháu ngoại nhào đến ôm. Thế nên cây tăm nhang bị gãy và nằm một phần trong đó. Tui biết trong tai tui có cây tăm nhang và đi khám nhiều chỗ nhưng bác sĩ đều nói không có gì”, ông T. kể.
Thế là cây tăm nhang bị “bỏ quên” trong tai bệnh nhân một năm nay.
Bác sĩ chuyên khoa 2 Võ Quang Phúc, Phó giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM, cho biết: Bệnh nhân bị rò luân nhĩ không phải là hiếm. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên bệnh viện gặp trường hợp bệnh nhân ngoáy lỗ rò và “để quên” cả tăm nhang trong đó, gây nhiễm trùng.
Các bác sĩ khuyên, nếu có lỗ rò luân nhĩ bẩm sinh thì bệnh nhân nên giữ vệ sinh vùng lỗ rò và tuyệt nhiên không nên day ấn hoặc dùng vật nhọn ngoáy vào đường rò.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.