Dễ phỏng vì túi sưởi ấm

02/01/2012 09:39 GMT+7

Thời tiết giá rét, nhiều gia đình mua các thiết bị sưởi ấm bằng điện nhưng vì lơ mơ với cách sử dụng khiến các vụ tai nạn do phỏng gia tăng

Thời tiết giá rét, nhiều gia đình mua các thiết bị sưởi ấm bằng điện nhưng vì lơ mơ với cách sử dụng khiến các vụ tai nạn do phỏng gia tăng

Hiện trên thị trường có rất nhiều sản phẩm sưởi ấm bằng điện như túi sưởi, túi chườm nóng, chăn sưởi, miếng dán giữ nhiệt, đệm điện... Ưu điểm của những sản phẩm này là tiện dụng và khả năng làm ấm nhanh lại không khói, bụi nên được nhiều gia đình mua về cho trẻ nhỏ và người già sử dụng. Đặc biệt, những người hay bị các bệnh về xương khớp, đau thần kinh, chân tay tê cóng lại càng thích sử dụng vì chỉ cần nạp điện khoảng 10-30 phút là có thể cho chúng vào trong chăn hoặc ôm vào lòng để giữ ấm suốt 4-6 giờ.

Không vỡ cũng phỏng?

Tuy nhiên, nhiều vụ phỏng do sử dụng các loại sản phẩm nói trên đã xảy ra. Giữa tháng 12-2011, cháu N.T.H (8 tuổi, ngụ thị xã Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang) trong lúc đang sưởi ấm với túi sưởi thì túi sưởi bỗng vỡ tung, nước sôi bắn tung tóe vào người làm cháu phỏng nặng ở vùng bẹn, mông và gần bộ phận sinh dục.

 
Một trường hợp trẻ bị phỏng do sử dụng sản phẩm làm nóng không đúng cách

Thận trọng với miếng dán giữ nhiệt

Gần đây, trên thị trường xuất hiện miếng dán giữ nhiệt được quảng cáo giúp sưởi ấm cơ thể hàng chục giờ liền ở nhiệt độ từ 530C đến 660C đồng thời an toàn với trẻ nhỏ. Tuy nhiên, giới chuyên môn khuyến cáo khi sử dụng các sản phẩm ủ ấm, trong đó có các loại miếng dán giữ nhiệt cho trẻ em, phải hết sức cảnh giác bởi da trẻ rất mỏng và nhạy cảm nên dễ bị phỏng. Ngay cả với người lớn, nếu dán liên tục ở một vùng da vẫn có thể gây kích ứng da, thậm chí phỏng.

Chị Ngọc Hà (ngụ đường Xuân Thủy, quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết do gia đình có người già và trẻ nhỏ nên vào những ngày lạnh giá, mọi người rất hay dùng túi sưởi để ủ ấm. Khi nghe tin về túi sưởi phát nổ ở Tuyên Quang, chị lập tức cách ly túi sưởi với hai con vì lo trẻ hiếu động, có thể giẫm đạp lên túi dễ gây phỏng.

Theo các chuyên gia về phỏng, trường hợp bị phỏng do túi sưởi, túi chườm… là khá phổ biến trong thời gian gần đây. Bác sĩ Nguyễn Thống, Trưởng Khoa Bỏng - Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội), cho biết ngoài trường hợp bị phỏng do túi sưởi vỡ, còn có những trường hợp túi sưởi không vỡ nhưng vẫn phỏng do cơ thể mất cảm giác với độ nóng của thiết bị. Nguyên nhân là do mùa đông lạnh dễ khiến tay, chân tê cóng, sưng khớp… nên có người đắp mãi mà thấy cơ thể không ấm nên lại tưởng chưa “đủ độ”, cứ giữ nguyên một chỗ thành ra phỏng nặng.

Chống chỉ định với nhiều bệnh lý

Các dạng túi sưởi ấm thường hoạt động theo nguyên lý dùng năng lượng dòng điện sinh nhiệt, nước muối và than trong đệm để giữ nhiệt lâu hơn mà không gây hại cho người sử dụng. Tuy nhiên, khi dùng không đúng cách, chẳng hạn như vừa sạc điện vừa ôm túi sưởi hoặc ôm vào người rồi rút điện, nếu chẳng may túi dùng lâu bị hở, bục, rách thì rất dễ bị chập điện.

Bác sĩ Dương Xuân Đạm, nguyên trưởng Khoa Phục hồi chức năng - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, lưu ý dù chườm ấm có thể giúp tuần hoàn máu tốt, tránh nhiễm lạnh, tránh viêm khớp hoặc đau bụng nhưng không phải ai cũng dùng được các loại sản phẩm chống rét này. Với những bệnh đe dọa chảy máu dạ dày, vùng nghi ngờ ung thư… không nên chườm hoặc đắp túi sưởi. Ngoài ra, những người mắc bệnh về đường hô hấp, tim mạch, viêm họng mãn tính hay bị bệnh ngoài da cũng không nên dùng chăn điện sưởi. Đối với phụ nữ có thai hay mới sinh con, trẻ sơ sinh… thì không nên dùng chăn điện vì chăn điện có nhiệt độ khá cao gây mất nước cho cơ thể.

Theo Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.