Đề phòng chó dữ: Những bộ phận nào ở người hay bị tấn công nhất?

Ngọc Quý
Ngọc Quý
17/12/2018 05:05 GMT+7

Với nhiều người, chó được nuôi để giữ nhà, để làm bạn. Nhưng trong một số tình huống không mong muốn, chúng lại cắn người. Trẻ em là đối tượng đặc biệt dễ bị chó tấn công nhất.

Trong một nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học ở Nam Phi cho rằng dường như mọi người vẫn chưa đánh giá đúng mức sự nghiêm trọng của vấn đề.
Tại nước này, cứ trung bình 1.000 trẻ thì có 22 trẻ từng bị chó cắn. Chưa đến 50% số trẻ bị chó cắn đến bệnh viện điều trị, Health24, trích dẫn nghiên cứu của giáo sư Sebastian van As và các đồng sự, tại Bệnh viện Red Cross War Memorial Children’s Hospital (Nam Phi). 
Trong đó, trẻ từ 2 - 4 tuổi là nhóm có nguy cơ bị chó cắn cao nhất. Đầu, mặt và cổ là những điểm thường thu hút chó nhất.
Trong nghiên cứu của giáo sư Sebastian, số ca chó cắn vào đầu, cổ và mặt chiếm 32% tổng số ca bị chó cắn.
Ngoài ra, nghiên cứu cũng phát hiện trẻ dưới 6 tuổi sẽ dễ bị cắn vào đầu, mặt và cổ. Với trẻ trên 6 tuổi, những vùng dễ bị cắn nhất là mông, chân, bàn chân và vùng đáy chậu, tức khu vực có bìu và hậu môn ở nam và âm hộ, hậu môn ở nữ.
Khoảng 29% các vụ bị chó tấn công xảy ra vào mùa hè, khi trẻ đi nghỉ hoặc chơi ngoài trời. Số bé trai bị cắn chiếm 68% tổng số ca. Phần lớn các vụ chó cắn trẻ lại xảy ra ở nhà các bé hoặc nhà của bạn bè, họ hàng, trong đó có cả những con chó quen thuộc với các bé, theo Health24.
Điều đáng lưu ý là một số giống chó lại đặc biệt nguy hiểm. Nguy hiếm nhất là chó Pitbulll, chó chăn cừu Đức, chó Doberman và Rottweiler, nghiên cứu cho biết.
Khi trẻ nhỏ chơi với chó, dù trong tình huống nào, các chuyên gia khuyến cáo người lớn phải luôn bên cạnh để quan sát trẻ.
Sau khi bị chó cắn, nhiều trẻ có thể bị rối loạn căng thẳng sau chấn thương. Nhiều trẻ gặp khó khăn khi trở lại cuộc sống của chính mình lúc trước khi bị chó cắn.
Tuy nhiên, trẻ bị rối loạn căng thẳng sau chấn thương không nhất thiết phải xuất hiện những hậu quả tâm lý nghiêm trọng đến mức mà các bác sĩ tâm lý có thể chẩn đoán một cách rõ ràng.
Biểu hiện của trẻ bị rối loạn căng thẳng sau chấn thương do chó cắn là sợ hãi khi nghĩ về ký ức bị chó căn, nằm mơ thấy bị chó cắn. Những nỗi sợ này có thể ảnh hưởng đến cuộc sống hằng ngày.
Ngoài các chấn thương về tâm lý, trẻ bị chó cắn có thể bị những tổn thương nghiêm trọng như vết cắn bị nhiễm trùng và có thể lây truyền uốn ván, dại, theo Health24.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.