ĐBSCL: Lần đầu tiên mổ nội soi điều trị ca viêm mỏm trên lồi cầu ngoài

Đình Tuyển
Đình Tuyển
30/05/2020 15:22 GMT+7

Lần đầu tiên các bác sĩ tại ĐBSCL mổ nội soi điều trị thành công ca viêm mỏm trên lồi cầu ngoài, một bệnh lý thường gặp ở người chơi thể thao , trong đó có 10-50% người chơi tennis mắc phải.

Chiều 30.5, bác sĩ chuyên khoa 2 (BS.CK2) Phạm Thanh Phong, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa Trung ương Cần Thơ, cho biết lần đầu tiên tại bệnh viện và khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), các bác sĩ Trung tâm Chấn thương chỉnh hình của bệnh viện điều trị thành công bệnh lý viêm mỏm trên lồi cầu ngoài bằng mổ nội soi. Đây là bệnh lý rất hay mắc với người chơi thể thao, nhất là môn tennis.
Bệnh nhân là anh N.P.T (27 tuổi, ngụ thị xã Ngã Bảy, Hậu Giang), nhập viện với chẩn đoán viêm mỏm trên lồi cầu ngoài cánh tay phải kéo dài hơn 2 năm. Bệnh nhân đã điều trị nội khoa, uống và tiêm nhiều thuốc tại nhiều bệnh viện nhưng bệnh không thuyên giảm.
Tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, sau hội chẩn, các bác sĩ đã quyết định mổ nội soi điều trị cho bệnh nhân. Ê kíp Ths.BS Nguyễn Tâm Từ, Trưởng Khoa Phẫu thuật nội soi và cổ bàn chân, BS Trang Tiến Đạt đã tiến hành nội soi cắt lọc mô viêm qua nội soi, thời gian mổ khoảng 30 phút, bệnh nhân gần như không mất máu sau mổ. Ngay sau mổ, bệnh nhân đã giảm đau khoảng 60-70% có thể cầm nắm nhẹ nhàng.

Ngay sau mổ nội soi, bệnh nhân đã giảm đau khoảng 60-70%, có thể cầm nắm nhẹ nhàng

Ảnh Đình Tuyển

Theo BS.CK2 Huỳnh Thống Em, Giám đốc Trung tâm chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, viêm mỏm trên lồi cầu ngoài là tình trạng viêm của các gân cơ cẳng tay bám ở bên ngoài vùng khuỷu tay (còn gọi là hội chứng Tennis Elbow). Bệnh lý này khá phổ biến do hoạt động công việc hằng ngày liên quan tới tới sử dụng tay là chủ yếu. Đặc biệt, tần suất mắc bệnh này ở người chơi thể thao rất cao, nhất là các môn sử dụng tay nhiều như chơi tennis, cầu lông, golf, người chèo thuyền. Riêng môn tennis được ghi nhập có tới 10-50% người chơi mắc bệnh lý này…
Ngoài ra là những người cần vận dụng nhiều các cơ bắp cẳng tay như: họa sĩ, nhạc công, ngư dân, thợ mộc. Cơ chế trực tiếp gây bệnh là do sự căng quá mức của các cơ duỗi cổ tay và ngón tay, đặc biệt là khi thực hiện các động tác đối kháng ở tư thế ngửa bàn tay.
Bệnh lý này thường được điều trị nội khoa. Khi các triệu chứng không đáp ứng sau 6 đến 12 tháng điều trị bảo tồn thì việc can thiệp phẫu thuật được chỉ định.
Trước đây, phẫu thuật mổ hở là phương pháp phổ biến được áp dụng để điều trị viêm mỏm trên lồi cầu ngoài. Tuy nhiên, bệnh nhân có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn và đau sau mổ sẽ kéo dài hơn.
“Hiện tại, mổ nội soi khớp khuỷu được thay thế với hiệu quả cao hơn. Đây là kỹ thuật cao, ít xâm lấn, giúp quan sát trực tiếp tổn thương và điều trị chính xác tổn thương với các phương tiện chuyên dùng hiệu quả nhất mà ít gây tổn thương thêm các cấu trúc khác”, BS Thống Em nói. BS Thống em cũng cho biết đây cũng là lần đầu tiên một bệnh viện ở ĐBSCL áp dụng phương pháp mổ nội soi điều trị cho bệnh nhân bị viêm mỏm trên lồi cầu ngoài không cải thiện với điều trị nội khoa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.