'Đánh tan' mỡ bụng ở giới văn phòng

16/05/2018 00:11 GMT+7

Mỡ bụng không chỉ xuất hiện ở những người thừa cân béo phì. Nhiều người trông gầy gầy nhưng vẫn bị… béo bụng.

Đặc biệt, với những ai làm việc ở công sở thì đây thực sự là cơn khủng hoảng khi vòng hai cứ tăng dù không dám ăn nhiều.
Không thừa cân vẫn có mỡ bụng
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Khoa Dinh dưỡng tiết chế, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM), mỡ bụng là một định nghĩa khác của thừa cân béo phì. Với người thừa cân béo phì, mỡ thường tập trung ở vùng bụng, vùng đùi và vùng mông. Tỉ lệ thừa cân béo phì ở VN khá cao và tỉ lệ mỡ bụng cũng ở mức tương đương.
Bên cạnh đó, một số người mặc dù cân nặng tính theo BMI vẫn nằm trong giới hạn chuẩn nhưng cũng có tình trạng tích tụ mỡ ở vùng bụng, ở ngoại biên (dưới da) hoặc gặp vấn đề nặng hơn liên quan đến bệnh lý là tích tụ mỡ ở cơ quan nội tạng. “Đây là vấn đề liên quan đến chuyển hóa chứ không chỉ đơn thuần là do ăn quá nhiều, quá dư năng lượng mà dư mỡ”, bác sĩ Nhàn nói.
Với người châu Á, một người béo bụng được xác định khi số đo vòng hai trên 94 cm đối với nam và trên 80 cm đối với nữ.
Bác sĩ Nhàn cho biết người béo bụng có nguy cơ mắc bệnh tim mạch và tử vong cao hơn. Nam có chu vi vòng bụng trên 94 cm, nữ trên 80 cm có nguy cơ mắc bệnh cao huyết áp tăng gấp đôi so với người không bị béo bụng. Nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cũng tăng gấp bốn lần đối với nam và hai lần so với nữ có vòng hai vượt chuẩn trên.
Ngoài ra, tình trạng mỡ bụng cũng liên quan đến một số bệnh ung thư như ung thư đại trực tràng, ung thư tụy, ung thư túi mật hay đặc biệt đối với nữ là ung thư vú và ung thư tử cung. Vì vậy, theo khuyến cáo của bác sĩ, không cần phải chờ đến thừa cân, mọi người nên theo dõi vòng bụng. Nếu số đo vòng bụng tăng cao thì cần đi khám sức khỏe để kiểm tra mỡ trong máu.
Bụng mỡ là do… stress
Mỡ bụng cũng có nguyên nhân của thừa cân béo phì, chủ yếu là do tăng cân. Đó là nguyên nhân phổ biến nhất. Khi một người tăng cân thì thường tăng khối mỡ cơ thể lên đầu tiên. Lượng mỡ được tích tụ tập trung ở vùng bụng, các vùng dưới da như tay, ngực, đùi.
Tuy nhiên, đặc biệt, trong giới văn phòng, ngoài nguyên nhân do tăng cân thì nguyên nhân chủ yếu gây mỡ bụng là do… stress, áp lực công việc. Đây cũng là lý do dân văn phòng nhiều người nhìn bên ngoài tay chân, đùi vẫn ốm nhưng lại có bụng mỡ.
“Khi cơ thể bị stress sẽ phóng thích ra các loại hoóc môn kích thích sự thèm ăn, đồng thời gây ức chế cảm giác no (có nghĩa là cứ ăn mà không có cảm giác no). Bên cạnh đó, stress cũng làm não có khuynh hướng thích những món ăn giàu chất bột đường, chất béo. Dù một người vốn thật sự vẫn muốn lựa chọn rau xanh, trái cây nhưng khi stress tế bào não lại “không đồng ý” chọn ăn những thực phẩm này”, bác sĩ Nhàn chia sẻ.
Khi cơ thể bị stress đồng thời sẽ phóng thích ra một loại enzim là Cortisol. Chất này sẽ gây phân hủy tế bào cơ và mỡ để chuyển hóa tất cả thành a xít béo. Thường a xít béo được phóng thích ra nhằm mục đích để chuyển hóa, tạo thành năng lượng cho cơ thể hoạt động. Tuy nhiên, cơ thể bị stress lại vô cùng lười vận động, không muốn làm bất cứ gì. Thế nên, các a xít béo được phóng thích ra trở nên “dư thừa” và toàn bộ lại được chuyển hóa thành khối mỡ để dự trữ. Khối mỡ dự trữ này lại tập trung ngay vùng bụng là chủ yếu.
Mặt khác, ít vận động cũng là nguyên nhân tạo mỡ bụng ở dân văn phòng. Chỉ ngồi làm việc trên máy tính làm tiêu hao năng lượng rất ít. Kèm theo đặc thù công việc và stress, nhiều người có thói quen ăn vặt với các loại bánh kẹo để sẵn trên bàn làm việc hoặc thường thấy nhất là một ly cà phê sữa. Chỉ một ít sữa thôi cũng tạo ra năng lượng dư thừa gây tích tụ… mỡ.
Ăn không đúng giờ, đúng bữa cũng là một thói quen của không ít dân văn phòng góp phần làm tăng số đo vòng hai. Việc bỏ bữa ăn sẽ dẫn đến khi tới bữa tiếp theo, cơ thể quá đói, sẽ tạo kích thích ăn bù quá mức, ăn không kiểm soát. Lần ăn cuối ngày này lại là ăn xong rồi nghỉ ngơi, không vận động. Thế là toàn bộ năng lượng dư này sẽ được dự trữ lại hết dưới dạng mỡ bụng.
Cũng có nghiên cứu cho rằng, những ai ngủ không đủ giấc hoặc ngủ quá nhiều thì vòng bụng cũng lớn hơn người ngủ đủ giấc (6-7 giờ/ngày).
Đi, đứng, “tám” để giảm mỡ bụng
Đi, đứng, nói chuyện có thể làm tiêu hao năng lượng rất nhiều. Vì vậy, với điều kiện vận động hạn chế nơi công sở, việc hãy tận dụng cơ hội đi lại chỗ đồng nghiệp và đứng… “tám” có thể giúp thu gọn vòng hai. Đó là lời khuyên bất ngờ của bác sĩ. Bạn đừng ngồi ì ở bàn làm việc và chat trên mạng. Việc di chuyển này nên được thực hiện sau 2-3 giờ ngồi trước máy tính.
Mặt khác, hãy tạm quên đi nút bấm thang máy mà thay vào đó là đi thang bộ đối với những tầng thấp, gần.
Đối với những người cân nặng bình thường mà vẫn có mỡ bụng thì cần cân bằng lại tinh thần, những áp lực trong công việc, giải tỏa stress bằng các hoạt động thư giãn giải trí, chăm sóc và tạo niềm vui cho bản thân.
Bạn đừng quên, việc ăn uống điều độ, đúng giờ và ngủ đủ giấc cũng cần được chú ý nếu bạn muốn có vòng hai thon gọn.
Khuyến cáo chế độ giảm cân
'Đánh tan' mỡ bụng ở giới văn phòng2
Ảnh: Shutterstock
- Để giảm cân cần giảm năng lượng ăn vào (tinh bột, chất béo) và chỉ giảm từ từ khoảng 500 kcalo/ngày, không được giảm quá mức để tránh bị “sốc”, cơ thể thiếu vi chất.
- Thay đổi một phần bữa ăn giàu tinh bột và chất béo bằng những thực phẩm có lợi hơn. Ví dụ: thay thịt mỡ bằng thịt nạc hoặc cá nạc; thay những món ăn dùng nhiều dầu mỡ (chiên, xào) bằng những món luộc, hấp.
- không thể hoàn toàn loại bỏ dầu khỏi chế độ ăn uống, đây vẫn là thực phẩm chứa những chất cần thiết cho cơ thể. Có thể sử dụng dầu một cách thông minh như thay vì chiên xào thì luộc nhưng sau đó cho chút dầu (các loại dầu ăn sống) vào món ăn sau khi chế biến.
- Ăn nhiều rau xanh và trái cây. Với trái cây nên lựa chọn những trái nào nhiều nước, ít ngọt như ổi, táo, lê, đu đủ…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.