Cứu sống bệnh nhân ngừng hô hấp, tuần hoàn do hen ác tính

11/08/2020 11:55 GMT+7

Bệnh nhân được đưa vào cấp cứu tại bệnh viện trong tình trạng ngừng hô hấp, tuần hoàn do đột ngột lên cơn hen ác tính

Hôm nay (9.8), thạc sĩ - bác sĩ chuyên khoa 2 Hoàng Ngọc Ánh, cố vấn chuyên môn Bệnh viện đa khoa Tâm Trí Sài Gòn (TP.HCM), cho biết các bác sĩ vừa cấp cứu thành công bệnh nhân ngừng hô hấp, tuần hoàn trước khi nhập viện.
Bà H.T.T.N (51 tuổi, ngụ phường Tân Thới Nhất, Q.12, TP.HCM) có tiền sử hen nhưng uống thuốc không thường xuyên.
Buổi sáng, bà đột ngột lên cơn khó thở dữ dội, khó thở càng lúc càng tăng và vã mồ hôi. Người nhà đã cho bà uống thuốc nhưng không thuyên giảm. Sau đó, tay chân của bệnh nhân lạnh, tím tái và hôn mê.
Bệnh nhân được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa Tâm Trí Sài Gòn trong tình trạng ngừng hô hấp, tuần hoàn.
Khi đến bệnh viện, tiếp nhận bệnh nhân, bác sĩ nhận thấy bệnh nhân đã ngừng hô hấp, tuần hoàn, mạch và huyết áp bằng 0.
Ê kíp cấp cứu nhanh chóng vừa xoa bóp tim ngoài lồng ngực, sốc điện, vừa đặt nội khí quản cho thở máy và dùng thuốc,… cấp cứu cho bệnh nhân.
Sau 20 phút tích cực hồi sinh tim phổi, tim bệnh nhân đã đập trở lại.
Bệnh nhân tiếp tục được chuyển vào phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) để điều trị hồi sức tích cực với thở máy, chống loạn nhịp, chống phù não, bảo vệ não và thăng bằng kiềm toan, dinh dưỡng...
Hiện tại, sau 5 ngày điều trị, bệnh nhân đã ổn định sức khỏe, hồi phục tốt, tỉnh táo, giao tiếp với mọi người, ngồi dậy được và có thể xuất viện.
Bác sĩ Ánh đánh giá, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng nguy kịch đã ngừng thở và tuần hoàn nhưng nhờ được cấp cứu nhanh chóng kịp thời, cũng như đến sớm nên đã qua cơn nguy kịch.
Theo thạc sĩ - bác sĩ chuyên khoa 2 Hoàng Ngọc Ánh, cố vấn chuyên môn Bệnh viện đa khoa Tâm Trí Sài Gòn (TP.HCM): Hen ác tính là một bệnh cảnh diễn ra đột ngột, có thể gây suy hô hấp nhanh chóng và ngừng thở, đe dọa tính mạng nếu bệnh nhân không được cắt cơn và đưa đến bệnh viện kịp thời.
Bệnh nhân cần được đưa đến cơ sở y tế có chuyên môn cấp cứu gần nhất, việc vận chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế quá xa nhà làm mất nhiều thời gian, có thể nguy hiểm. Đã có nhiều trường hợp bệnh nhân tử vong oan uổng, hoặc sau cấp cứu dù tim có đập lại nhưng vẫn để lại di chứng nặng nề vì thời gian đến bệnh viện để được can thiệp cấp cứu kéo dài.
“Khi có tình huống cấp cứu, ngưng tim, ngưng thở, người nhà cần phải nhanh chóng, bình tỉnh gọi cấp cứu 115 để có tham vấn của người có chuyên môn, cần biết cách sơ cấp cứu cần thiết và nên đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được can thiệp sớm”, bác sĩ Ánh khuyên.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.