Côn trùng bay vào mắt, tự điều trị có thể gây mù lòa

28/04/2019 16:10 GMT+7

Do chủ quan, tự mua thuốc điều trị nên bệnh nhân bị đau mắt do côn trùng đến bệnh viện khi đã viêm nặng, thậm chí loét giác mạc, mất thị lực

Hiện nay, thời tiết đang chuyển mùa khiến nhiều người bị bệnh về mắt. Thời tiết nóng, ẩm, ô nhiễm khó bụi, phấn hoa… khiến nhiều người bị dị ứng miễn dịch, viêm kết mạc dị ứng. Đáng lưu ý, các trường hợp đau mắt  do côn trùng bay vào mắt (gây viêm kết mạc, giác mạc). Đây là giai đoạn nắng ấm nên côn trùng sinh sôi, phát triển mạnh.
Một trong những sai lầm thường gặp của người bệnh, khiến bệnh về mắt trở nặng đó là đưa tay lên dụi mắt khi thấy ngứa do tiếp xúc với côn trùng. Do chà xát liên tục và quá mạnh đã dẫn đến biến chứng viêm, ảnh hưởng đến thị lực.
Bệnh nhân Nguyễn Minh Ch. ở huyện Tiền Hải (Thái Bình) đến khám tại Bệnh viện Măt T.Ư khi mắt phải sưng, vùng mi mắt đỏ tím. Anh Ch. kể: “Buổi tối, tôi đang đi xe máy trên đường thì bị con bọ nhỏ bay vào mắt. Thấy ngứa nên dụi mắt; sau đó thấy rát và xót nhiều nên đến hiệu thuốc mua thuốc. Mấy ngày dùng thuốc, mắt không đỡ mà lại sưng, nhiều gỉ, nên tôi đi khám bệnh viện dưới quê thì bác sĩ khám bảo rách giác mạc, viêm nặng, phải chuyển lên Bệnh viện Măt T.Ư. Hơn chục ngày bị đau rồi, mở mắt ra là buốt lắm, mắt nhìn mờ và chói”.
Theo TS - BS Hoàng Cương (Trung tâm chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Mắt T.Ư) các tai nạn do côn trùng chủ yếu do côn trùng tiết túc (là loại có dịch tiết; chân có đốt và sắc). Khi dụi mắt, ngạnh ở chân sắc nhọn của côn trùng gây chấn thương mắt, sẽ gây đau đớn; đốt chân gãy ra còn xiên thủng các mô mắt. Đặc biệt là khi bị day dụi công trùng trong mắt sẽ tiết dịch (tương tự axit) khiến mắt cảm giác phải bỏng, rát, phù nề mi mắt, sưng tấy.
Khi quan sát bên ngoài mắt có thể sẽ thấy các vệt va đập, vết trượt trên mi; kết mạc phù và xung huyết. “Khi khám, bác sĩ còn thấy các mảnh chân, vòi của côn trùng trong lòng đen (giác mạc) gây trợt bong từng mảng; bệnh nhân đau đớn, nước mắt chảy giàn giụa, giảm thị lực. Khi nhuộm màu thì sẽ hiện các vết thương, vết loét rất rõ”, bác sĩ Cương chia sẻ.
Bác sĩ Hoàng Cương lưu ý, dung dịch nhỏ mắt cần được đóng kín, vô khuẩn tránh là nguồn gây nhiễm cho mắt Ảnh - Nam Sơn
Mới đây, một bệnh nhân nữ 17 tuổi đến khám trong tình trạng mi mắt phải sưng nề, bầm tím, kết mạc phù viêm đỏ, thị lực giảm chỉ còn 3/10. Theo bệnh nhân cho biết, khoảng 2-3 ngày trước khi khám, bệnh nhân bị côn trùng bay vào mắt và có nhờ bạn thổi vào mắt để côn trùng thoát ra nhưng không đỡ. Bệnh nhân tự dụi đẩy đẩy côn trùng ra khỏi mắt nhưng lại khiến cho côn trùng bị nát, bám vào màng mắt gây xót, cộm. Sau khi tự mua thuốc nhỏ mắt ngoài hiệu thuốc dùng không khỏi mà mắt còn bị sưng to, đau chói nên bệnh nhân mới đến khám tại bệnh viện. 
Lưu ý khi chọn dung dịch nhỏ mắt
Theo BS Hoàng Cương, rất nhiều bệnh nhân tự điều trị bằng loại thuốc như: polydexa, nemidexan… hoặc ra hiệu thuốc nghe tư vấn của người bán thuốc, hoặc khám đa khoa không khỏi mới đến khám chuyên khoa mắt khi viêm rất nặng, đã có biến chứng như: bong biểu mô loét giác mạc, và nhiễm khuẩn, nhiễm nấm.
Các bác sĩ lưu ý người dân khi bị ngứa mắt, mỏi mắt, có thể vệ sinh mắt bằng thuốc nhỏ mắt dạng nước muối sinh lý. Nhưng cần xem kỹ hạn sử dụng và nên mua những lọ thuốc được đóng chai dạng kín, là sản phẩm được cấp số đăng ký thuốc để tránh tình trạng nước muối bị nhiễm khuẩn trước và sau khi mở nắp. Vì cũng là nước muối 09% nhưng sản phẩm được cấp số đăng ký lưu hành sẽ đảm bảo độ tinh khiết, vô khuẩn. “Khi đau mắt dù nguyên nhân nào cũng cần đến khám chuyên khoa, vì điều trị sai có thể dẫn đến mất thị lực, mù lòa do bội nhiễm, do lạm dụng thuốc”, bác sĩ Cương khuyến cáo.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.