Coi chừng ngộ độc thực phẩm, tiêu chảy vì... khăn lau bếp

Ngọc Quý
Ngọc Quý
14/06/2018 20:30 GMT+7

Đôi khi ta tự hỏi liệu trong khăn bếp có bao nhiêu vi khuẩn. Một nghiên cứu mới đây phát hiện có rất nhiều vi khuẩn trong khăn bếp và số lượng vi khuẩn tăng nhanh phụ thuộc tuần suất ăn thịt và số thành viên trong gia đình.

Các nhà nghiên cứu đã phân tích 100 chiếc khăn bếp sau 1 tháng sử dụng để xác định loại và số lượng vi khuẩn phát triển trong khăn. Họ phát hiện 49 khăn trong số đó chứa nhiều các loại vi khuẩn được tìm thấy ở trong cơ thể hoặc trên da con người, theo CNN.
Trong số 49 khăn, có khoảng 3/4 số vi khuẩn được phát hiện có trong ruột người, chẳng hạn như E. coli và Enterococcus. 14% là vi khuẩn tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus), thường xuất hiện trên da và trong đường hô hấp, nghiên cứu cho biết.
Đây là những nhóm vi khuẩn gồm nhiều loại khác nhau. Một số loài trong đó lại có thể gây bệnh cho người. Chẳng hạn, một số loài vi khuẩn tụ cầu vàng có thể tạo ra độc tố nếu ăn phải thực phẩm nhiễm chúng.
Các triệu chứng ngộ độc thực phẩm thường thấy do bị nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng là sốt, nôn mửa và tiêu chảy, theo Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC).
Nghiên cứu do các nhà khoa học thuộc Đại học Mauritius ở Cộng hòa Mauritius, quốc đảo nằm ở Ấn Độ Dương, thực hiện. Người dẫn đầu nghiên cứu là tiến sĩ Susheela Biranjia-Hurdoyal.
Nhóm nghiên cứu cũng phát hiện loại vi khuẩn và số lượng của chúng cũng khác nhau tùy thuộc vào số thành viên trong gia đình, tình trạng kinh tế xã hội và chế độ ăn uống. Cụ thế, vi khuẩn tụ cầu vàng có nhiều khả năng phát triển trong khăn bếp những gia đình có nhiều thành viên và có điều kiện sống thấp hơn, theo CNN.
Trong khi đó, các loại vi khuẩn đường ruột thường tìm thấy trong các gia đình thường xuyên ăn thịt. “Thịt tươi có vi khuẩn. Và khi bạn cắt thịt trên thớt rồi dùng khăn lau thớt thì khăn sẽ chứa vi khuẩn”, giáo sư khoa học thực phẩm tại Paul Dawson Đại học Clemson (Mỹ), cho biết.
Những loại vi khuẩn này có thể gây bệnh và thường phát triển nhanh hơn trong môi trường ấp áp, ẩm ướt như khăn bếp, khăn tắm và cống rãnh. Do đó, giáo sư Dawson khuyến cáo mọi người hãy thường xuyên giặt khăn bếp, khăn lau chén, đũa và phơi khô chúng. Thời gian giặt thích hợp là sau vài ngày sử dụng, theo CNN.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.