Cô bé tử vong vì kẹt hạt trân châu ở đường thở

Thanh Tùng
Thanh Tùng
08/08/2018 11:03 GMT+7

Một trường hợp rất đau lòng vừa xảy ra: cô bé 11 tuổi tử vong do bị kẹt hạt trân châu (có trong trà sữa) gây tắc nghẽn đường thở, tử vong.

Một bác sĩ làm ở một trung tâm y khoa lớn ở TP.HCM vừa chia sẻ về câu chuyện mà nữ đồng nghiệp của anh vừa gặp phải, đau khổ tột cùng, khi vừa mất đi đứa con gái 11 tuổi do một tai nạn trong lúc ăn uống.
Mặc dù gia đình của cô bé cẩn thận, chế biến trà sữa trân châu tại nhà, nhưng trong lúc uống, do một hạt trân châu bị kẹt ở cái ống hút, cô bé hút thật mạnh khiến hạt trân châu bay thẳng vào cuống họng làm tắc đường thở.
Cô bé chới với vì nghẹt thở, khiến người mẹ (là bác sĩ) rối trí, xử trí cấp cứu nhưng không được, khi đưa đến bệnh viện thì cô bé đã tử vong.
Theo bác sĩ Nguyễn Thanh Vinh - Phó giám đốc Bệnh viện Tai - Mũi - Họng TP.HCM, có nhiều cách xử trí cấp bị hóc dị vật đường thở, nhưng với người dân có thể làm cách đơn giản như sau:
Nếu bị trường hợp như trên thì cho trẻ nằm ngửa, thẳng trên sàn cứng (băng ghế, nền nhà…) đầu nghiêng qua một bên. Người lớn dùng hai bàn tay đặt lên nhau rồi đặt lên vùng bụng ngay dưới xương ức; dùng phần lòng bàn tay nhấn theo hướng đẩy lên tác động lên cơ hoành - nhằm đẩy hơi có trong phổi thoát ra ngoài đột ngột qua khí quản - thanh quản để tống dị vật ra ngoài.
Lưu ý, động tác nhấn dứt khoát nhưng với trẻ con không nhấn quá mạnh vì có thể làm gãy xương sườn còn mỏng manh của bé.
Với trường hợp bé nhỏ sặc cháo, dị vật đường thở, thì dùng một tay bồng dốc ngược bé, tay còn lại chụm lại rồi vỗ mạnh dứt khoát vào lưng để tống cháo (hay dị vật) ra; hay móc họng cho bé nôn ói ra.
Nhanh chóng đưa bé đến cơ sở y tế gần nhất.
Triệu chứng bị hóc dị vật đường thở là đột ngột sặc sụa, tím tái.
Bác sĩ Phan Xuân Trung (Trung tâm Chẩn y khoa - Medic, TP.HCM), chia sẻ: Trà sữa, hay hạt trân châu không có lỗi trong trường hợp này, vấn đề là cách ăn uống.
Theo bác sĩ Trung, với món này nên dùng bằng muỗng, vì dùng loại ống hút to để hút hạt như thế rất nguy hiểm. Hạt trân châu có tính dẻo nên bám dính vào đường thở hơn so với hạt khác trơn bóng hơn.
Ngoài trái cây có hạt, các bác sĩ cũng lưu ý khi dùng bánh rau câu cũng cẩn thận dễ bị lọt vào đường thở.
Nhiều bác sĩ cũng chia sẻ về cách xử trí trong tình huống khẩn cấp như trường hợp cô bé nói trên là: dùng vật nhọn, sắc bén có được (có thể là đầu bút bi, hay ruột bút bi vát nhọn) để đâm thủng ở cổ (chỗ hõm ở cổ) nhằm khai thông đường thở giúp thoát chết, rồi đưa ngay đến bệnh viện. Tuy nhiên, có bác sĩ cũng chia sẻ, khi làm biện pháp này, người làm cần bình tĩnh và là người đã làm chuyên môn cấp cứu)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.