Chuyện người mẹ trẻ quyết hoãn trị ung thư để sinh con an toàn

19/07/2017 05:16 GMT+7

Cứ tưởng nghén trong thai kỳ nhưng hóa ra là… ung thư dạ dày giai đoạn muộn. Chịu đau đớn, người mẹ trẻ quyết tâm hoãn điều trị ung thư để giữ thai an toàn, sinh con.

Ung thư giai đoạn muộn trong thai kỳ
Chị Vũ Thị Dung (30 tuổi, ngụ Gia Lai) nhập viện Bệnh viện Đại học Y dược (TP.HCM) trong tình trạng nôn ói liên tục, suy kiệt hoàn toàn và đang có thai 28 tuần.
Anh Lê Đình Thịnh (chồng chị Dung) cho biết, hai vợ chồng mới cưới được 8 tháng và đây là đây là đứa con đầu lòng của anh chị.
Trong 3 tháng đầu của thai kỳ, chị ói rất nhiều và sụt gần 3 kg. Chị và mọi người trong gia đình đều chỉ nghĩ đây là những triệu chứng nghén thông thường. Cho đến khi thai được 27 tuần, tình trạng nôn ói của chị vẫn không thuyên giảm mà ngược lại còn tồi tệ hơn. Người mẹ trẻ đã sụt cân từ 48 kg xuống chỉ còn 35 kg. Lo lắng, chị đi khám tại bệnh viện địa phương thì chỉ được chẩn đoán là suy nhược do mang thai.
Khi thai được 28 tuần, chị Dung hoàn toàn suy kiệt và nôn ói liên tục, nặng hơn trước. Kết quả khám tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM lúc này khiến vợ chồng chị ngỡ ngàng.
Kết quả nội soi dạ dày cho thấy bệnh nhân bị ung thư dạ dày giai đoạn muộn, đã xâm nhiễm cứng sang các cơ quan khác như gan, tụy, vòm hoành; môn vị bị tắc hoàn toàn dẫn đến bệnh nhân không thể ăn uống được gì, ói ra máu, xuất huyết tiêu hóa.
“"Cầm kết quả trên tay, vợ chồng tôi không tin vào mắt mình. Vợ tôi trào nước mắt, vừa thương con lại vừa thương cho chính bản thân mình. Thai nhi chỉ mới 27 tuần, mà giờ vợ không thể ăn được, không thể ngủ được, nôn ói liên tục thì làm sao có sức lực. Vợ tôi khóc nhiều lắm, đôi lúc đòi tự tử vì không thể chịu đựng nỗi đau lòng và sự giày vò của căn bệnh. May mà có các y bác sĩ, điều dưỡng và các anh chị Phòng Công tác xã hội của bệnh viện ngày nào cũng vào thăm hỏi, động viên và đưa ra hướng điều trị nên tâm lý vợ tôi cũng dần ổn định hơn", anh Thịnh kể.
Vì thương con, mong con chào đời, người mẹ trẻ đã cố gắng chiến đấu với đau đớn dưỡng thai.
Bác sĩ Lê Thị Kiều Dung, Trưởng khoa Phụ sản, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cho biết lúc này thai nhi còn quá non, nếu mổ lấy thai thì khả năng sống của bé rất thấp. Vì vậy, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM đã hội chẩn liên khoa: Ngoại tiêu hóa, Dinh dưỡng, Hóa trị, Phụ sản, Nhi để cố gắng tìm mọi cách giữ được thai cho sản phụ đến 30 tuần.
Song song đó, các bác sĩ cũng tìm cách bổ sung dinh dưỡng cho bệnh nhân để có thể đáp ứng được sức khỏe cho phẫu thuật sắp tới.

Chị được điều trị nội khoa, truyền máu, chất dinh dưỡng qua đường tĩnh mạch để nâng đỡ thai; truyền chất hỗ trợ phổi cho thai nhi và tăng cường sức lực cho thai phụ vì lúc này chị không thể ăn uống qua đường miệng.
Điều kỳ diệu cho mẹ và con
Đến ngày 5.7, khi thai được 31 tuần, các bác sĩ đã tiến hành ca mổ lấy thai. Em bé trai chào đời nặng 1,5 kg. Chỉ kịp nhìn, chạm vào con, người mẹ trẻ lại tiếp tục bước vào “cuộc chiến đấu” khác. Chị được bác sĩ sắp xếp để phẫu thuật ung thư dạ dày.
Em bé được chuyển qua Bệnh viện Nhi đồng 2 (TP.HCM) để chăm sóc tích cực.
Chị Dung được y bác sĩ thăm khám, chăm sóc sau hai ca phẫu thuật lấy thai và cắt bỏ dạ dày Nguyên Mi
Đối với chị Dung, do dạ dày bị xâm lấn và chảy máu rất nhiều nên các bác sĩ Khoa Ngoại tiêu hóa đã phải cắt toàn bộ dạ dày, nối thực quản với hỗng tràng (một phần của ruột) cho bệnh nhân.
Ca phẫu thuật thành công. Hiện chị đã ăn uống được trở lại và sức khỏe tiến triển tốt, tăng cân.
Bác sĩ Võ Duy Long, Phó khoa Ngoại tiêu hóa, Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cho biết: “Tiếp theo, bệnh nhân sẽ được hóa trị, hi vọng sẽ kéo dài sự sống thêm cho người bệnh. Chúng tôi chưa thể nói trước được gì nhưng bệnh nhân đang cố gắng chiến đấu với ung thư và chúng tôi cũng cố gắng hội chẩn, đưa ra hướng điều trị tốt nhất cho bệnh nhân”.
Người mẹ đã được sang Bệnh viện Nhi đồng 2 gặp con. Ôm con trong tay, chị xúc động òa khóc: “Tôi rất hạnh phúc. Tôi không còn biết gì đau đớn, mệt mỏi nữa. Tôi không muốn chết. Tôi sẽ rang điều trị khỏe để được về với con”.
Hiện em bé cũng đã không phải thở máy, có thể tự bú và tăng cân.
Điều kỳ diệu ban đầu đã đến với mẹ con sản phụ bị ung thư. Tuy nhiên, mẹ con chị còn cả chặng đường dài, đầy khó khăn phía trước. Chị Dung còn cả quá trình điều trị ung thư đầy gian truân; việc chăm sóc đứa em bé thiếu tháng cũng không dễ dàng. Chị Dung chỉ là giáo viên, trong khi chồng làm nông nên gia cảnh khó khăn. Phòng Công tác xã hội của Bệnh viện Đại học Y dược hiện đang kêu gọi sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm để tiếp sức cho gia đình chị.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.