Chuyện chưa kể về người bác sĩ 18 năm đi xin tạng hiến

05/03/2016 05:00 GMT+7

Khi một cánh cửa này đóng lại thì không chỉ 1 mà có đến 6 cánh cửa khác được mở ra. Chị là người thuyết khách đã xin và trao những chiếc 'chìa khóa' mở cửa cho những người bệnh được cứu sống từ nguồn tạng hiến.

Khi một cánh cửa này đóng lại thì không chỉ 1 mà có đến 6 cánh cửa khác được mở ra. Chị là người thuyết khách đã xin và trao những chiếc 'chìa khóa' mở cửa cho những người bệnh được cứu sống từ nguồn tạng hiến.

Tiến sĩ - bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu làm việc tại phòng Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) - Ảnh: Nguyên MiTiến sĩ - bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu làm việc tại phòng Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) - Ảnh: Nguyên Mi
Sáng 4.9.2015, một bệnh nhân 32 tuổi bị tai nạn trong sinh hoạt được xác định đã chết não hoàn toàn. Tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM), cánh cửa phòng phẫu thuật lấy tạng của bệnh nhân khép lại. Ngay sau đó, những cánh cửa phòng mổ khác để ghép tạng cho bệnh nhân được mở ra. Thậm chí, ở đầu kia của đất nước, cách TP.HCM hơn 1.700km, tại Hà Nội, một bệnh nhân đang nằm trên bàn phẫu thuật chờ được ghép quả tim do các bác sĩ vận chuyển đến. Đó là những ca ghép tạng từ người hiến chết não cho các bệnh nhân đang chờ ghép. Thấy những trường hợp này, người ta mới thấm thía một cách rõ ràng nhất câu nói: khi cánh cửa này đóng lại thì không chỉ 1 mà có đến 6 cánh cửa khác được mở ra, ở cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Người làm thuyết khách thầm lặng để vận động hiến tạng và trao những chiếc “chìa khóa” mở cửa cho những người bệnh được cứu sống từ nguồn tạng hiến là một nữ bác sĩ nhỏ nhắn tên Dư Thị Ngọc Thu. Bà là bác sĩ chuyên khoa tiết niệu và Trưởng Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM).
18 năm vận động hiến tạng
Bác sĩ Thu cho biết, việc nhận thấy sự cần thiết và ý tưởng thành lập một đơn vị vận động hiến tạng đã được các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy ấp ủ rất lâu ngay sau khi bệnh viện thực hiện thành công ca ghép thận đầu tiên.
Ý tưởng và các kế hoạch công việc này xuất phát từ giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Trần Ngọc Sinh. Ông nguyên là Trưởng Khoa Ngoại tiết niệu, Bệnh viện Chợ Rẫy và hiện giờ là cố vấn ghép tạng cho Bệnh viện Chợ Rẫy, Giảng viên của Bộ môn Tiết Niệu học Trường ĐH Y dược TP.HCM, Chủ tịch Hội Niệu - Thận học TP.HCM.


Khi gia đình đầu tiên đồng ý hiến tạng khi người thân vừa qua đời, bác sĩ Hiền có nói với tôi: “Chị ơi, em biết rồi chị, mình phải sống trong hoàn cảnh của họ thì mới xin được”. Đó là điều quan trọng nhất. Bởi vậy, cho đến giờ, tôi luôn sống trong hoàn cảnh của bệnh nhân và gia đình bệnh nhân

Tiến sĩ - bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Chợ Rẫy

Vào năm 1998, Bệnh viện Chợ Rẫy có làm cuộc khảo sát đối với người nhà các bệnh nhân đang nằm viện tại Bệnh viện Chợ Rẫy về việc hiến tạng trong trường hợp bệnh nhân chết não hoàn toàn.
Bác sĩ Thu kể: “Tôi nhớ mình đã đi thực hiện khảo sát ấy. Mặc dù, đã rất cẩn trọng khi chọn lựa, quan sát các trường hợp có thể tiếp cận; xin lỗi trước và giải thích rõ là đây chỉ là khảo sát nghiên cứu y khoa, không liên quan, ảnh hưởng gì đến trường hợp cụ thể của bệnh nhân và người ta chịu thì mình mới bắt đầu hỏi. Thế nhưng, hầu như tất cả đều có quan điểm là không đồng ý hiến tạng của người thân sau khi qua đời và gần như trên 90% trường hợp sau khi được khảo sát xong thì chỉ 15 phút sau đến xin bác sĩ cho xuất viện về vì sợ bị… lấy nội tạng”.
Từ đó đến nay, việc xin phép người nhà bệnh nhân hiến tạng sau khi bệnh nhân chết não không hề là việc dễ dàng.
Trò chuyện về công việc của mình, bác sĩ Thu vẫn nhớ rất rõ và ấn tượng xúc động về trường hợp hiến tạng đầu tiên của người thân sau khi chết não. Người qua đời cho tạng là một bác sĩ, hai người con của bà đều là công an.
“Mẹ khi còn sống rất thích và đi làm từ thiện nhiều. Nay mẹ qua đời, tôi tin là mẹ cũng muốn hiến tạng như là một việc thiện, để cứu người khác”, tôi vẫn nhớ rất rõ câu cô con gái nói với tôi như thế khi đồng ý hiến tạng mẹ”, bác sĩ Thu tâm sự.
Lúc đó là năm 2010. “Đó là trường hợp rất đau thương, cùng lúc gia đình mất mát cả hai người thân vì tai nạn giao thông. Hôm đó, bà ẵm cháu nội đầu tiên đi bộ qua đường thì bị xe tông. Cháu bé tử vong tại chỗ. Còn bà thì bị chấn thương sọ não nặng. Thật sự, trong hoàn cảnh vô cùng đau thương như vậy, người nhà (con của bà - một con gái và một con trai cũng là ba của em bé tử vong) đồng ý hiến tạng là một điều vô cùng cao đẹp mà mãi tôi vẫn kính nể!”, bác sĩ Thu vẫn run run khi kể lại câu chuyện.
Thuyết khách ở phút “thập tử”
Những cuộc chuyện trò của bác sĩ Thu với gia đình bệnh nhân rất vô chừng, thời gian không xác định. Những cuộc trò chuyện không biết diễn ra khi nào và có thể đến bất cứ lúc nào thuận lợi. Bà phải ở xa quan sát cảm xúc, hoàn cảnh rồi mới từ từ tiếp cận. Những cuộc chuyện trò có thể đến lúc 11 - 12 giờ trưa, 5 - 6 giờ chiều hoặc 8 - 9 giờ tối. Không phải một lần mà nhiều lần tiếp xúc, trò chuyện như thế để bà thấu hiểu hết hoàn cảnh, người nhà bệnh nhân và thuyết phục.

Bác sĩ Thu (đeo kính, bên trái) cùng phẫu thuật trong ca ghép thận từ người cho chết não đầu tiên ở Việt Nam - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Đi xin hiến tạng là toàn phải nói chuyện với người nhà bệnh nhân ở những giây phút “thập tử” nhất. Đó là lúc gia đình người bệnh đau lòng và rối bời nhất. Đó là những cuộc nói chuyện mà bác sĩ Thu phải tinh tế và nhạy cảm chọn gia đình có khả năng đồng ý vì không phải với gia đình, bệnh nhân nào cũng có thể nói chuyện hiến tạng được; nói chuyện đúng thời điểm thích hợp nhất và một lần nói chuyện phải có thời gian, ở chỗ riêng biệt, yên lặng nhưng không gian phải ấm cúng, hài hòa, gần gũi với người nhà bệnh nhân. Số lượng y bác sĩ ngồi thuyết phục, giải thích cũng không được nhiều hơn người nhà bệnh nhân để người nhà không cảm thấy áp lực. Trang phục phải chỉn chu.
“Phải có sự tôn trọng bệnh nhân, người nhà bệnh nhân; và người nhà bệnh nhân có thể cảm thấy được sự tôn trọng đó, chứ không thấy mình là… "đồ tể"”, bác sĩ Thu chia sẻ.
“Khi gia đình đầu tiên đồng ý hiến tạng khi người thân vừa qua đời, bác sĩ Hiền có nói với tôi: “Chị ơi, em biết rồi chị, mình phải sống trong hoàn cảnh của họ thì mới xin được”. Đó là điều quan trọng nhất. Bởi vậy, cho đến giờ, tôi luôn sống trong hoàn cảnh của bệnh nhân và gia đình bệnh nhân”, bác sĩ Thu bộc bạch.
Người bác sĩ “thuyết khách” đó phải thuyết phục đến 20 - 30 trường hợp thì mới có một trường hợp hiến tạng. Cũng có trường hợp, bà đã thuyết phục được gia đình, các con và ba mẹ và anh chị em đã đồng ý hiến tạng. Vừa chuẩn bị xong hồ sơ để gia đình ký cam kết hiến tạng thì người nhà không đồng ý hiến nữa vì có một người trong gia đình vừa gọi điện không đồng ý. Bác sĩ Thu cứ thế miệt mài tiếp tục công việc.
Bởi thế, bác sĩ Thu không chỉ phải sống trong hoàn cảnh của gia đình bệnh nhân trong cơn thập tử (chết não) mà còn phải sống trong hoàn cảnh của bệnh nhân và gia đình bệnh nhân đang từng ngày, từng giờ chờ tạng ghép để được cứu sống.
“Khi gọi điện thoại, tôi nghe rất rõ niềm vui mừng, hạnh phúc vỡ òa của bệnh nhân chờ ghép khi được báo có thận hiến. Còn khi có kết quả không tương thích, bệnh nhân ngồi khóc nức nở ngon lành. Với rất nhiều bệnh nhân chờ ghép tạng, việc có được người hiến tạng là hy vọng cuối cùng cho cuộc sống của họ”, bác sĩ Thu nói.
Cùng với đó, bác sĩ không thôi trăn trở một điều là hiện các chính sách và nguồn kinh phí để vinh danh, tri ân, hỗ trợ cho gia đình người hiến tạng vẫn còn chưa được đủ đầy. Còn với các bác sĩ, họ vẫn luôn cố gắng những phần việc của mình.
“Gia đình và người hiến tạng đã có nghĩa cử cao đẹp, hy sinh rất lớn khi hiến tặng tạng. Vì vậy, các bác sĩ phải làm hết sức mình để bảo toàn tạng hiến tặng toàn vẹn nhất, phẫu thuật tốt nhất để cứu người nhận để xứng đáng với người cho”, bác sĩ Thu bộc bạch.
Từ câu nói của 1 đứa trẻ, hơn 20 năm gắn bó với ngành y
Miệt mài tâm sức chăm sóc cho bệnh nhân tại Bệnh viện Chợ Rẫy hơn 20 năm, thế mà điều dẫn dắt bác sĩ Thu đến với nghề y chỉ từ một câu nói, ánh mắt làm bác sĩ Thu nao lòng, “bức xúc” từ một em bé 4 - 5 tuổi.
“Lúc đó, tôi đi khám bệnh, khám trước tôi là một em bé. Bé đi khám vì loét giác mạc dẫn đến mù lòa do suy dinh dưỡng thiếu vitamin A. Khi đó, bé nhỏ xíu, cứ nắm chặt tay mẹ lắc lắc khóc hỏi: “Vậy là không được hả mẹ? Không hết được hả mẹ? Vậy thôi, mình về đi mẹ! Tôi bức xúc, tự hỏi sao một việc đơn giản thế, chỉ cần biết và cho trẻ con ăn đủ chất thôi mà là có thể đã không bị mù. Tại sao không làm được. Tại sao lại để em bé bị mù vì lý do có thể thay đổi thế!”.
Người mẹ bế đứa con ra về với những giọt nước mắt lăn dài trên má từ mắt của mẹ lẫn em bé bị mù lòa đã làm cô nữ sinh khi ấy quyết tâm thi đậu vào Trường ĐH Y dược TP.HCM. Từ đó, bà quên đi cuộc sống riêng của bản thân mình chỉ cặm cụi chăm sóc bệnh nhân và học tập, gắn với ngành y hơn 20 năm nay.

Kể từ khi Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người tại Bệnh viện Chợ Rẫy được thành lập (Từ tháng 6.2014) đến nay, đã có 7 trường hợp hiến tạng và 23 bệnh nhân được ghép từ nguồn tạng hiến này. Khi một bệnh nhân chết não hiến tạng có thể cứu sống được đến 6-7 bệnh nhân khác.
Các ca ghép tạng vừa qua, đều được ghép cho bệnh nhân suy thận, ung thư gan giai đoạn cuối mà nếu không được ghép thì họ chỉ có thể sống không đến 1 năm. Có trường hợp đã mòn mỏi chờ gan ghép 2-3 năm qua.
Bệnh viện Chợ Rẫy đã phát hành thẻ hiến tạng từ ngày 28.10.2014. Thẻ hiến tạng đầu tiên đã trao cho Phó giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, người thứ hai là Giáo sư - tiến sĩ - bác sĩ Trần Ngọc Sinh và người thứ ba là Tiến sĩ - bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.