Chuẩn nam mà nói giọng... mái, điều trị 1 buổi, nói được giọng nam

22/03/2017 07:05 GMT+7

Mỗi khi anh K. cất giọng, mọi người lại tưởng cô nào đang nói. Suốt gần 18 năm, anh tự ti với giọng nữ của mình, ngại hòa nhập, giao tiếp, thậm chí không thể quen bạn gái. Đây không phải là trường hợp hiếm.

Nỗi khổ chuẩn nam nhưng… giọng nữ
Tại Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM, anh T.H.K. (28 tuổi, ngụ An Giang) cất lên chất giọng nữ cao khi buổi đầu gặp bác sĩ. Ngại ngần lắm, rồi anh mới dám nói cho biết: “Mắc cỡ lắm vì mỗi khi nói người ta cứ tưởng là cô nào”. Bởi thế, chuyện tưởng chừng như vô cùng đơn giản, bình thường với mọi người, đối với anh K. là cả một nỗi khổ.
Theo lời kể của anh, anh bị đổi giọng khi 10 tuổi. Từ lúc đó, mỗi lần nói chuyện, anh đều bị trêu chọc. “Lúc đó xấu hổ lắm! Rất ngại nói chuyện mà đi học chỉ ngồi một góc thôi!”, anh K tâm sự.
Mang tâm lý mặc cảm, tự ti vì giọng nói cho đến khi ra trường, đi làm, anh dần thu mình, hiếm khi thể hiện quan điểm, ý kiến cá nhân ở cơ quan, tập thể. Anh vô cùng kiệm lời, chỉ nói trong trường hợp bất khả kháng.
Thậm chí, cho đến giờ, anh cũng không dám quen bạn gái vì sợ bị chê cười.
Theo bác sĩ Trần Thị Thu Trang, Trưởng đơn vị Thanh học, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM: Trường hợp bị rối loạn giọng nói không phải là hiếm, đặc biệt là ở tuổi dậy thì. Trung bình mỗi tháng, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM tiếp nhận điều trị cho khoảng 10 trường hợp rối loạn giọng nói, nam giới nhưng nói giọng phụ nữ. Các bệnh nhân có đầy đủ độ tuổi, từ trẻ em đến thanh niên, thậm chí đàn ông trung niên.
Bác sĩ Trang cho biết: Bệnh viện cũng vừa điều trị thành công cho một trường hợp bệnh nhân 42 tuổi. Anh bị rối loạn giọng nói từ lúc dậy thì. Là đàn ông nhưng chỉ mỗi giọng nói là… đàn bà. Anh đã chịu đựng gần 30 năm nay, không dám có bạn gái. Vừa rồi, anh mới biết đến bệnh viện điều trị. Chỉ sau một buổi được các bác sĩ luyện giọng, anh đã tìm lại được giọng chuẩn nam.
“Đáng mừng là anh vừa gọi điện khoe đã có bạn gái”, bác sĩ Trang chia sẻ.
Nói giọng nữ nửa đời, điều trị 1 buổi, đổi được thành giọng nam
Bác sĩ Trang cho biết, các trường hợp rối loạn giọng nói, khi đến bệnh viện điều trị, sẽ được bác sĩ kiểm tra, phân tích giọng nói, khám nội soi thanh quản. Nếu kết luận không có bệnh lý về thanh quản thì bệnh nhân được tiến hành điều trị bằng phương pháp luyện giọng.
“Các trường hợp rối loạn giọng nói, đàn ông nói giọng phụ nữ phần nhiều do tâm lý ảnh hưởng”, bác sĩ Trang nhận định.

Theo đó, đầu tiên, bệnh nhân được ghi âm giọng nói vào băng cassette. Sau đó, họ được tiến hành luyện giọng theo cách: thư giãn; tập thở bụng, đằng hắng, phát âm; tập đọc nhỏ, to, thấp, cao; tập kể chuyện; tập động tác môi miệng; tập phong cách; tập hát và phát âm theo đàn.
Mỗi đợt tập bắt đầu bằng một buổi học tại Trung tâm Tai Mũi Họng (Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM). Sau đó bệnh nhân tự tập ở nhà 2 lần/ngày, mỗi lần nửa tiếng. Bệnh nhân được ghi âm giọng nói để đánh giá sau 5 đợt tập. Ghi âm và tái khám soi thanh quản sau 10 đợt tập.
“Mới đầu bệnh nhân khá lúng túng khi phải tập thở dài, tập nói “ồ”, “ùm” kéo dài để đẩy hơi ra ngoài. Nhưng chỉ sau khoảng 30 phút luyện giọng, nhiều trường hợp đã tìm lại được giọng nam trầm đặc trưng của nam giới”, bác sĩ Trang chia sẻ.
Theo bác sĩ Trang, trung bình mỗi bệnh nhân chỉ cần luyện nói với bác sĩ 3 buổi (30-40 phút/buổi) là có thể chỉnh sửa được giọng. Trường hợp nhanh, chỉ tập 1 buổi là được (như bệnh nhân 42 tuổi ở trên). Trường hợp phức tạp (như anh K.) thì số buổi có thể kéo dài 7-10 buổi.
Ghi nhận của Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM, 100% các trường hợp điều trị tại đây đều thành công. Trong khi, phí mỗi buổi luyện giọng chỉ có 50.000 đồng.
Rối loạn giọng nói tuổi dậy thì
Theo bác sĩ Trần Thị Thu Trang, Trưởng đơn vị Thanh học, Bệnh viện Tai Mũi Họng TP.HCM: Rối loạn giọng nói tuổi dậy thì là sự duy trì giọng nói trẻ em sau khi đã dậy thì đầy đủ và thanh quản đã phát triển hoàn toàn. Điều này khiến cho một số người mặc cảm và hạn chế giao tiếp. Đặc biệt, bệnh nhân dễ bị tổn thương nhất do những lời chọc ghẹo của người xung quanh và sự hiểu lầm giới tính.
Chưa có nguyên nhân rõ ràng gây ra việc rối loạn giọng nói ở nam giới. Tuy nhiên, một số nghiên cứu cho thấy, do tâm lý bối rối không chấp nhận giọng nói mới khi dậy thì; sinh ra trong gia đình chó nhiều chị em gái;...
Không phải ai cũng có thể cải thiện giọng nói hoàn toàn vì sau khi dậy thì, giọng nói và cách nói đã thành thói quen khó sửa. Vì vậy, nếu thấy giọng nói có vấn đề, mọi người nên có biện pháp điều chỉnh, đi khám sớm. Nếu không được điều trị, việc rối loại này có thể kéo dài suốt đời, ảnh hưởng đáng kể đến cuộc sống, hạnh phúc của cá nhân.
Ở trẻ vị thành niên, việc điều chỉnh rối loạn giọng nói tuổi dậy thì thường có tỷ lệ thành công rất cao, thuận lợi và nhanh chóng. Càng lớn tuổi, khi giọng nói đã cố định, đã thành thói quen lâu ngày thì việc điều chỉnh càng khó khăn.
BV Tai Mũi Họng TP.HCM hiện là nơi duy nhất ở TP.HCM điều trị rối loạn giọng nói tuổi dậy thì.

tin liên quan

Suýt chết do xí muội rớt vào phổi
Ngày 13.3, tin từ Khoa Hô hấp Bệnh viện (BV) Nhi đồng 1 (TP.HCM) cho biết nơi đây vừa tiếp nhận bệnh nhân P.A.T (14 tuổi, Đắk Lắk) bị xẹp phổi do sặc viên xí muội chui vào đường thở.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.