Chơi thể thao quá sức, coi chừng đột quỵ!

13/04/2019 04:30 GMT+7

Nhiều trường hợp nhập viện cấp cứu do đột quỵ khi chơi thể thao. Trong đó, có người do tập luyện quá sức, nhiều nhất là ở độ tuổi trung niên; có người đột quỵ sau tập thể thao mới biết mình bị dị tật tim mạch.

Đau tim, bất tỉnh khi đang tập

Ông N.B.M (52 tuổi, ngụ Q.Tân Bình, TP HCM) bất ngờ đau dữ dội ở ngực trái, vã mồ hôi, khó thở… khi đang đánh “độ” tennis cùng hội bạn bè. Đây là môn thể thao ông tập luyện mỗi ngày hơn một năm nay.
Ông M. được đưa vào Bệnh viện Thống Nhất (TP.HCM) cấp cứu.
Kết quả, ông được chẩn đoán bị nhồi máu cơ tim cấp, tắc nhánh động mạch vành lớn do nhiều huyết khối. Bệnh nhân phải can thiệp động mạch vành đặt stent.
Bệnh viện Thống Nhất cũng ghi nhận nhiều trường hợp đột quỵ tương tự như ông M. khi chơi thể thao. Như bệnh nhân T.V.L (56 tuổi, ngụ Q.Tân Phú, TP.HCM) cũng nhập viện trong tình trạng mệt, chóng mặt, không thở được. Bệnh nhân đột ngột bị từng cơn đau dữ dội ở ngực khi đang chơi cầu lông.
Ông L. cũng bị tắc hoàn toàn một nhánh mạch vành bên phải và được các bác sĩ can thiệp kịp thời nên giữ được mạng sống.
Tại Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM (BV ĐHYD), vừa qua, bệnh nhân N.T.T (60 tuổi, ngụ Q.5, TP.HCM) nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu. Được biết, ông T. có thói quen chạy bộ vào sáng sớm (khoảng 5 giờ). Hôm đó, khi đang chạy bộ, bệnh nhân đột ngột bị té ngã và bất tỉnh.
Mặc dù đã được cấp cứu tích cực nhưng bệnh nhân chỉ có thể qua “cửa tử” và bị liệt nửa người vì đột quỵ do đứt mạch máu não.
Trước đó, từng có trường hợp bệnh nhân N.V.H (17 tuổi, ở huyện Bình Chánh, TP.HCM) đang tập thể hình thì bị ngã và bất tỉnh. H. được đưa đến khám ở một phòng khám gần đó, truyền nước, rồi về nhà.
Tuy nhiên, cả đêm H. ói và nhức đầu. Bệnh nhân đến Bệnh viện Trưng Vương (TP.HCM) khám lại thì được phát hiện bị xuất huyết não và dị dạng mạch máu hiếm gặp (trước đó không biết). Các bác sĩ đã dùng phương pháp can thiệp nội mạch để điều trị cho bệnh nhân.
Hồi đầu năm nay, cũng có trường hợp một vận động viên nghiệp dư 23 tuổi đột tử khi đang trên đường chạy marathon.

Vận động vừa sức, tầm soát sức khỏe

Theo thạc sĩ - bác sĩ Nguyễn Đức Thành, Trưởng Khoa Phục hồi chức năng, BV ĐHYD, có nhiều trường hợp đột quỵ, thậm chí dẫn đến tử vong khi tập thể dục, vận động quá sức, đặc biệt là ở người trung niên, lớn tuổi.
Bác sĩ Thành khuyến cáo, người tuổi trung niên trở lên nếu muốn tập thể dục, chơi các môn thể thao thì nên đi khám sức khỏe tổng quát, tầm soát các yếu tố nguy cơ để chọn lựa bài tập, cường độ phù hợp.
“Người lớn tuổi không nên tập thể dục vào buổi sáng quá sớm, khi mặt trời chưa lên. Vì sáng sớm, cơ thể hoạt động cường độ cao cộng với nhiệt độ lạnh sẽ làm cho mạch máu co lại một cách đột ngột dễ gây xuất huyết não”, bác sĩ Thành khuyên.
Bên cạnh đó, theo bác sĩ Thành, tập thể dục gắng sức cũng có thể dẫn đến đột quỵ với cả người trẻ tuổi nếu mắc một số chứng bệnh liên quan đến tim (như cơ tim giãn nở, bệnh lý mạch vành). Những bệnh lý này bình thường không có triệu chứng, chỉ đến khi vận động gắng sức, đột ngột thì mới phát hiện được.
Theo tiến sĩ - bác sĩ Nguyễn Văn Tân, Phó Khoa Tim mạch cấp cứu và can thiệp, Bệnh viện Thống Nhất, độ tuổi 40-60 tuổi tiềm ẩn nhiều nguy cơ về bệnh tim mạch. Tuy nhiên, khi khám sức khỏe định kỳ, rất khó phát hiện vì bình thường bệnh nhân chưa gắng sức nên không có biểu hiện ra bên ngoài.
“Để tránh đột quỵ khi chơi thể thao, trước khi tập thể dục, đặc biệt là ở độ tuổi trung niên, người lớn tuổi hoặc những người có yếu tố nguy cơ cao như bản thân, gia đình có bệnh tim, đái tháo đường, thận mạn tính, tăng lipid máu… cần tầm soát chuyên sâu. Như vậy sẽ giúp cho bệnh nhân phát hiện bệnh chưa biết, các nguy cơ, được bác sĩ tư vấn lựa chọn môn thể dục phù hợp với sức khỏe, tránh những rủi ro tiềm ẩn có thể xảy ra”, bác sĩ Tân cảnh báo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.