'Cậu bé bong bóng' sinh ra không có hệ miễn dịch

29/12/2017 13:28 GMT+7

Sebastian Romero (10 tháng tuổi, ở Texas, Mỹ) sinh ra mà không có hệ miễn dịch, vì vậy cậu bé luôn phải ở trong nhà đã được vệ sinh sạch sẽ và chỉ ra ngoài khi đi khám bệnh.

Chỉ một vài ngày sau khi sinh, kết quả kiểm tra máu của cậu bé cho thấy số lượng tế bào T (là những tế bào đóng vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch của cơ thể giúp nhận diện và đáp ứng các kháng nguyên có bản chất là protein) và tế bào B (có thể đáp ứng và sản xuất kháng thể đặc hiệu với nhiều loại phân tử khác nhau) thấp một cách bất thường.

Theo Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Mỹ, một người bình thường có 500 đến 1.200 một tế bào T trong một mm3 máu, tuy nhiên Sebastian không có bất kỳ tế bào T nào.
Vì vậy, Sebastian phải làm thêm những xét nghiệm máu khác để có thể biết cậu bé bị bệnh gì. Sebastian được chẩn đoán bị thiếu hụt miễn dịch tổ hợp trầm trọng khi được hai tuần tuổi. Đây là một nhóm bệnh di truyền đặc trưng bởi sự giảm sút mạnh hoặc mất hẳn chức năng của tế bào T.
Trong 40.000 đến 75.000 trẻ em sinh ra, có một trẻ bị thiếu hụt miễn dịch tổ hợp trầm trọng. Nguyên nhân gây nên sự thiếu hụt này do đột biến nhiễm sắc thể X. Sự thiếu hụt này chỉ xuất hiện ở bé trai nhưng bé gái có thể mang gien này.
Sebastian được gọi là “cậu bé bong bóng” vì cậu bé rất dễ dàng chết vì những căn bệnh hết sức bình thường như cảm lạnh do không có các tế bào “chiến đấu lại sự lây nhiễm vi khuẩn hay vi trùng”, theo Daily Mail ngày 27.12.
Chính vì vậy, cậu bé và gia đình cậu chẳng bao giờ đi ra ngoài để mừng Giáng sinh.
Vào đầu năm nay, Sebastian đã được ghép tủy. Phương pháp điều trị này đang giúp từ từ xây dựng hệ miễn dịch cho cơ thể cậu bé. Sau khi được ghép tủy, số lượng tế bào T trong cơ thể cậu bé đã tăng lên 437 và trong giữa tháng 12.2017 cậu bé đã có 36 tế bào B.
Các bác sĩ cho biết phải có ít nhất 600 tế bào T thì cậu bé mới có thể đi ra ngoài. Cậu bé phải mất ít nhất hai năm mới có được hệ miễn dịch hoàn chỉnh như những trẻ bình thường.
Ghép tủy là phương pháp điều trị duy nhất cho sự thiếu hụt miễn dịch tổ hợp trầm trọng. Tuy nhiên, không phải tất cả các bệnh nhân bị sự thiếu hụt này đều được chữa khỏi với phương pháp này. Khi không được chữa khỏi, nhiều cơ quan của những bệnh nhân này có thể bị phá hủy nghiêm trọng và nguy hiểm đến mạng sống.
Mẹ cậu bé, cô Blanca Romero (33 tuổi), nói với Daily Mail rằng bốn thành viên trong gia đình cậu luôn phải thay đồ ngay khi bước từ ngoài vào nhà và phải luôn thực hiện những khuyến cáo về giữ vệ sinh để đảm bảo an toàn cho cậu bé cho đến khi cậu bé có đủ các tế bào miễn dịch trong cơ thể để giúp chiến thắng lại sự lây nhiễm của vi khuẩn và vi trùng.
Cô Romero và chồng cô luôn vệ sinh ngôi nhà họ ở, đặt 5 máy lọc không khí xung quanh nhà và biến đổi dãy phòng thành phòng cách ly cho Sebastian và mẹ cậu.
“Chúng tôi gọi Facetime cho nhau và đó là cách duy nhất tôi muốn thấy mặt hai anh trai của Sebastian”, Romero nói với Daily Mail. Cô chỉ rời khỏi phòng khi đi lấy thức ăn. Cô cũng không dám ôm và hôn các con của cô. Nếu cô ôm họ thì cô phải đi tắm ngay lập tức.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.