Cấp cứu người bị cơn đau thắt ngực như thế nào?

Liên Châu
Liên Châu
10/11/2020 04:06 GMT+7

Nhồi máu cơ tim với triệu chứng là cơn đau thắt ngực có thể xảy ra bất cứ lúc nào với người bệnh tim mạch.

Chỉ sau 30 phút, nhồi máu cơ tim khiến các tế bào cơ tim bắt đầu bị tổn thương không hồi phục. Vì thế, sơ cứu ban đầu đúng và được điều trị sớm có ý nghĩa sống còn với người bệnh.

“Bất tỉnh” vì cơn đau do nhồi máu cơ tim khi đang lái xe

Trong lúc đang lái xe đón các học sinh đến trường đầu giờ sáng 3.11, tài xế nam (46 tuổi, ở Hà Nội) đột ngột bị cơn đau thắt ngực trái đến mức gần như “bất tỉnh” tại chỗ. Ngay lập tức, cô phụ trách học sinh gọi xe cấp cứu đưa tài xế này đến trạm y tế gần đó và bệnh nhân (BN) tiếp tục được chuyển đến bệnh viện (BV).
Tại đây, sau khi được xử trí cấp cứu ban đầu, BN vẫn diễn biến nặng, mạch chỉ còn đập 30 chu kỳ/phút (ở người bình thường là 70 - 80 chu kỳ/phút), huyết áp tâm thu giảm mạnh, nguy cơ tử vong rất cao, BN tiếp tục được chuyển đến Trung tâm tim mạch - Bệnh viện E (Hà Nội).
Tại Trung tâm tim mạch, BN nhanh chóng được các bác sĩ (BS) tiến hành can thiệp đặt stent mạch vành tối cấp cứu, thời gian thực hiện tính bằng phút. Kết quả cho thấy, BN bị nhồi máu cơ tim thất phải, liên thất phải tắc hoàn toàn, liên thất trái hẹp đến 80%.
Các BS cho biết, rất may mắn cho BN này, từ khi khởi phát bệnh đến khi được can thiệp thành công chỉ trong vòng 30 phút. Việc xử trí cực kỳ nhanh chóng hoàn toàn phụ thuộc vào sự hợp tác giữa các BS tiếp nhận cấp cứu ban đầu và BS can thiệp xử trí đúng khi có cơn đau thắt ngực. 3 giờ sau khi được can thiệp đặt stent tại vị trí mạch bị chít hẹp, BN hoàn toàn tỉnh táo.
“Khi đang lái xe, tôi cảm thấy một cơn đau khủng khiếp ở vùng ngực trái như bị ai đó co kéo, bóp chặt quả tim. Cơn đau xuất hiện ở giữa ngực, lan lên cổ, vai, hàm hoặc lan dọc theo cánh tay (đặc biệt là tay trái), mồ hôi vã ra như tắm, cơ thể yếu mệt không có sức lực, ngạt thở vô cùng”, BN nhớ lại thời khắc cái chết và sự sống cách nhau gang tấc.

Lưu ý với người bệnh tim mạch

GS Lê Ngọc Thành, Giám đốc BV E, chuyên gia nhiều kinh nghiệm về bệnh lý tim mạch, giải thích nhồi máu cơ tim là tình trạng tắc nghẽn động mạch, nếu không được xử lý đúng cách, nguy cơ tử vong cao. Tuy nhiên, không nhiều người nhận biết được các dấu hiệu cảnh báo sớm cơn nhồi máu cơ tim cho đến khi các triệu chứng trầm trọng hơn. Họ có thể đột ngột bị hôn mê, rối loạn nhịp tim, ngừng tim hay đột tử. Vì vậy, song song với việc theo dõi triệu chứng bất thường của cơ thể, BN cần có kế hoạch khám bệnh hằng tháng để có các can thiệp chủ động.
BN tim mạch luôn phải tuân thủ sử dụng thuốc điều trị theo hướng dẫn. Đặc biệt là thuốc chống đông máu, thuốc giãn mạch, thuốc huyết áp… Trong trường hợp được kê toa Nitroglycerin, cần luôn mang theo bên người để dùng khi cần thiết.
Người bệnh tim mạch cần bỏ thuốc lá bởi hút thuốc làm tăng gấp đôi biến cố về tim mạch. Hạn chế uống rượu bia hoặc các chất kích thích khác. Giữ huyết áp, cholesterol máu hoặc đường huyết ở ngưỡng ổn định. Giảm cân nếu thừa cân, béo phì. Có chế độ ăn uống lành mạnh cho tim, nên chọn đồ ăn mềm, dễ tiêu hóa, ăn thành nhiều bữa trong ngày để hạn chế gánh nặng cho tim. Hạn chế thịt đỏ, đường; giảm muối để tránh tăng huyết áp. Ăn nhiều cá, thịt gà, hoa quả, rau củ tươi và các loại ngũ cốc nguyên cám.

Xử trí người bị nhồi máu cơ tim

Đầu tiên, trấn an, giúp người bệnh bình tĩnh, tránh hoảng loạn, nhằm tiêu tốn ô xy ở mức thấp nhất. Hướng dẫn người bệnh hít thở nhẹ bằng mũi xuống bụng dưới, lưu ý không cố hít sâu và nín hơi, để hạn chế căng cơ và tránh làm tim mệt. Cố gắng duy trì hơi thở như vậy cho tới khi xe cấp cứu tới.
Sơ cứu người bị nhồi máu cơ tim đúng cách không chỉ giúp người bệnh giảm nguy cơ tử vong mà còn giúp họ phục hồi sức khỏe nhanh chóng. Bất cứ sự chậm trễ nào cũng sẽ làm cho vùng cơ tim bị hoại tử rộng, khó phục hồi và di chứng để lại nặng nề hơn.
(Trung tâm tim mạch, Bệnh viện E)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.